(HNMO) - Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngày 11-10, chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân phối hợp với cơ quan chức năng nâng cao ý thức giám sát cộng đồng đối với người đi, về từ vùng dịch. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ bắt buộc để quản lý, giám sát dịch.
Tăng cường tuyên truyền
Trên địa bàn phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai), UBND phường vẫn duy trì hoạt động của 14 tổ tự quản tại 18 chốt "vùng xanh" để giám sát việc đi lại của người dân cũng như người từ vùng dịch trở về địa phương.
Chủ tịch UBND phường Thanh Trì Dương Văn Hòa cho biết, ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở các chốt, UBND phường còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các tổ dân phố để nhân dân nắm bắt thông tin, ý thức rõ nguy cơ dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, phối hợp cùng với chính quyền tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả.
Trên thực tế, tất cả các trường hợp đi, đến từ vùng dịch đều được thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng biết và kịp thời vận động khai báo y tế, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và các quy định phòng, chống dịch.
Tại quận Hai Bà Trưng, hầu hết các cơ sở kinh doanh và cửa hàng thiết yếu đều chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có sử dụng mã QR để khai báo y tế. Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Nam Sơn cho biết, những ngày qua, lực lượng chức năng của phường thường xuyên kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất trên địa bàn; yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, giữ khoảng cách, thực hiện “5K” và kiên quyết dừng hoạt động cơ sở không quét mã QR, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Chia sẻ vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, đặc biệt phát huy tối đa hình thức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, loa lưu động. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, các trang Facebook và mạng xã hội, Zalo nhằm chuyển nhận thức của người dân thành ý thức tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch, trong đó có việc thực hiện quét mã QR".
Từ ngày 2-9 đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Cùng với việc thành lập các khu cách ly y tế tập trung đáp ứng 6.000 chỗ, huyện cũng kích hoạt khu cách ly tại Trường Tiểu học thị trấn Trạm Trôi, Trường Mầm non An Khánh B, tiếp nhận 269 trường hợp F1 và 7 trường hợp trở về từ thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến ngày 11-10, những công dân đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung đã trở về cách ly tại nhà, còn 25 trường hợp tiếp tục cách ly tập trung theo quy định.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, toàn huyện duy trì hoạt động của các tổ Covid-19 cộng đồng trong việc phối hợp với lực lượng chức năng xã, thị trấn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại địa bàn. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tuân thủ nghiêm “5K”, bắt buộc quét mã QR đối với nhân viên và khách hàng, từ chối phục vụ đối với khách hàng không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND phường Cống Vị (quận Ba Đình) đã thực hiện 3 nền tảng công nghệ bắt buộc. Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Hải Hà cho biết, người dân sử dụng điện thoại thông minh (trên 12.000 người) đều đã cài đặt và sử dụng cài đặt một trong các ứng dụng: Sổ sức khỏe điện tử hoặc Bluezone (PC-Covid) hoặc Ncovi để điền thông tin khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng trên ứng dụng và quét mã QR.
Với nền tảng lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến, UBND phường đã phối hợp với đơn vị lấy mẫu trả kết quả cho công dân trên hệ thống tra cứu điện tử (có thể in kết quả), công dân không phải đến cơ sở xét nghiệm để lấy kết quả.
Với nền tảng quản lý tiêm chủng, UBND phường đã lập danh sách, tải danh sách đăng ký từ hệ thống đăng ký tiêm chủng quốc gia bảo đảm công khai, minh bạch đúng đối tượng. Việc mời người dân tiêm chủng được thực hiện trên hệ thống tin nhắn Econgdan, tổ chức tiêm chủng cho người dân được thuận lợi, an toàn.
Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Quang Anh khẳng định, những ngày qua, lực lượng chức năng của phường thường xuyên nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, cửa hàng trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
"Cả hệ thống chính trị của phường đã đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là ứng dụng trên hệ thống Viber, Zalo nên công tác tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến phòng, chống dịch nhanh chóng, hiệu quả", ông Nguyễn Quang Anh chia sẻ.
Để quản lý, giám sát dịch Covid-19, UBND phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) còn ban hành các văn bản đến tổ dân phố, cơ quan, trường học, cơ sở kinh doanh... về việc triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra, vào địa điểm, khu vực bằng mã QR.
Qua đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh... bắt buộc phải tạo mã QR tại địa chỉ qr.tokhaiyte.vn và kiểm soát người vào đơn vị bằng việc quét mã QR... Trường hợp công dân không có điện thoại thông minh thì sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để quét mã.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, huyện đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của công dân về khai báo y tế và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, huyện cũng triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra, vào địa điểm công cộng bằng mã QR; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Tại huyện Mê Linh, ông Nguyễn Thành Khang, Trưởng phòng Y tế huyện cho biết, qua rà soát từ ngày 15-9 đến nay, địa phương có 88 người liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, 1 người trở về từ tỉnh Hà Nam, 2 người về từ thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các trường hợp này đều được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định, kết quả đều âm tính.
Ngoài ra, huyện Mê Linh tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn áp dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, quản lý công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, ra quân thực hiện chiến dịch tạo mã QR cho nhân dân phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện Mê Linh đã có 27.808 điểm tạo mã QR, cài đặt mã QR cho 74.646 điện thoại; người dân thực hiện nghiêm các biện pháp “5K” trong phòng, chống dịch.
Một số hình ảnh nhóm phóng viên ghi nhận được:
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.