Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường quản lý, tránh nhập nhèm

Hồng Hạnh| 18/05/2012 06:50

(HNM) - Cuối giờ chiều 17-5, Bộ GD-ĐT đã họp báo công bố quy định mới về dạy thêm, học thêm. Hànộimới xin lược ghi những giải đáp của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) Vũ Đình Chuẩn nhằm cung cấp cho bạn đọc những điểm mới liên quan đến vấn đề luôn được dư luận quan tâm này.


- Để hạn chế tình trạng dạy thêm (DT), học thêm (HT) tràn lan từng xảy ra ở một số thành phố lớn, theo quy định mới có những đối tượng nào giáo viên (GV) không được DT thưa ông ?

- Văn bản mới quy định không DT với HS tiểu học, trừ 3 trường hợp là bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn kỹ năng sống. Những trường hợp như nhận quản lý HS ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho HS học lực yếu, kém; luyện tập kỹ năng đọc, viết cho HS như trong quy chế cũ ban hành năm 2007 không còn nữa. Việc điều chỉnh này nhằm tăng cường quản lý DTHT, tránh tình trạng nhập nhèm, khó kiểm soát.


- Một trong những nguyên tắc để được DT là HS phải tự nguyện, vậy ranh giới nào để phân định giữa tự nguyện và không tự nguyện, bởi trên thực tế có không ít phụ huynh, HS không muốn HT cũng phải làm đơn tự nguyện ?

- Về nguyên tắc, HS có nguyện vọng HT phải viết đơn gửi nhà trường; cha mẹ HS có con em xin HT trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường vào đơn và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết. Về phía GV, văn bản mới quy định không được DT ngoài trường đối với HS mình đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng. Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy chế trước đây nhằm tránh việc phụ huynh vừa cho con đi HT nhưng lại vừa viết đơn kiến nghị. Tuy nhiên, về lâu dài, để  hạn chế bức xúc trong dư luận về những hành vi tiêu cực trong DTHT, Bộ GD-ĐT đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy- học, không để xảy ra tình trạng HS cứ phải đi học thêm mới được điểm cao.

- Quy định GV không được tổ chức nhưng lại có thể tham gia DT ngoài nhà trường được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Theo Luật Viên chức, nếu GV hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể làm các việc khác, nên cấm DT là phạm luật. Trong thực tế, có những ông thầy không chỉ dạy mà còn làm "ông bầu" tổ chức DT. Vì thế, Bộ GD- ĐT chỉ cho phép GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập tham gia dạy chứ không được tổ chức DT ngoài nhà trường. Sắp tới, khi văn bản có hiệu lực (ngày 1-7-2012), Bộ GD-ĐT sẽ ban hành những quy định cụ thể hơn để quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra.

- Vấn đề tế nhị là việc thỏa thuận học phí HT giữa cha mẹ HS và nhà trường hoặc cá nhân, tổ chức DT liệu có được kiểm soát bằng quy định mới này không?

- Nếu như trước đây, việc thu tiền DTHT là do UBND cấp tỉnh quy định thì nay, việc này do cha mẹ HS và nhà trường (hoặc cá nhân, tổ chức DT) thỏa thuận. Tuy nhiên, GV không trực tiếp thu - chi tiền HT mà do nhà trường thực hiện. Quy định này sẽ làm bớt những điều tiếng không hay về GV, giúp họ thoải mái, tự tin, tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn.

- Quy định xử phạt chung chung quá liệu có giảm sức răn đe đối với những sai phạm DTHT vốn khá phổ biến hiện nay hay không?

- Theo quy định mới, cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về DTHT thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có sai phạm cũng bị liên đới trách nhiệm. Nghị định 49/2005/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã quy định rõ hình thức xử lý với mỗi hành vi, mức độ vi phạm. Để tăng cường hiệu lực quản lý đối với hoạt động DTHT, văn bản mới đã có nhiều quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của chính quyền các cấp; các cấp quản lý giáo dục, của nhà trường và của bản thân người DT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý, tránh nhập nhèm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.