Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường phòng dịch ở chợ truyền thống

Ngọc Quỳnh| 22/05/2021 12:08

(HNMO) - Chợ truyền thống vẫn là kênh thương mại quan trọng cung cấp nguồn nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng ở các vùng ngoại thành của thành phố Hà Nội. Tiện lợi, nhưng có thể nói, loại chợ này tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường… Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, việc nâng cao trách nhiệm của tiểu thương, tăng cường phòng dịch và bảo đảm cung cấp nông sản an toàn cho người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân chấp hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ Vồi (huyện Thường Tín).

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ với cộng đồng

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số chợ truyền thống như: Chợ thị trấn Kim Bài, chợ Vác, chợ Cao huyện Thanh Oai, chợ Vồi (huyện Thường Tín), chợ Đông Anh (huyện Đông Anh)..., về cơ bản, người dân đã có ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…). Tuy nhiên, nhiều người bán hàng vẫn chưa tuân thủ giãn cách theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Duyên, tiểu thương bán rau tại chợ Cao, xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết, được lãnh đạo xã và các đoàn thể tuyên truyền về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên bà con tiểu thương đã ý thức hơn trong việc đeo khẩu trang nhưng khoảng cách giữa hai người bán hàng vẫn chưa bảo đảm.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã chỉ có một chợ lại nằm trong khuôn viên của đình làng nên việc bố trí chỗ bán hàng bảo đảm khoảng cách theo quy định rất khó khăn. Hơn nữa, một số tiểu thương vẫn có biểu hiện chủ quan như không đeo khẩu trang thường xuyên.

 Nhiều mặt hàng nông sản bán tại chợ nông thôn chưa có tem, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Các chợ truyền thống chủ yếu bày bán hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau quả; thực phẩm chế biến và kinh doanh đồ ăn chín nói riêng, dịch vụ ăn uống nói chung. Hiện tại, các chợ này cung cấp tới 70% nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm của người dân khu vực ngoại thành. Và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống tiếp tục là chủ đề "nóng", đặc biệt vào mùa hè.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, các chợ truyền thống thường là tự phát, tập trung chủ yếu ở nông thôn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy…, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Mùa hè đến với những ngày nắng nóng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nếu không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản, thực phẩm bán tại chợ và không đẩy mạnh tuyên truyền để các tiểu thương chấp hành nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Còn theo ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, nông sản, thực phẩm bày bán tại các chợ truyền thống rất đa dạng và khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, nhiều mặt hàng nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn… Các chợ nhỏ lẻ chưa bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là chợ ở vùng nông thôn. Phần lớn các gian hàng có không gian chật hẹp, trang thiết bị, dụng cụ, giá kệ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định, chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn

 Phần lớn chợ nông thôn chưa bảo đảm giãn cách giữa các tiểu thương.

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ nông thôn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện đã yêu cầu Ban quản lý các chợ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế và UBND xã, thị trấn triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở…, cần có biện pháp xử lý nhanh, kịp thời; đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền để các tiểu thương và người mua hàng thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Theo ông Bùi Văn Sáng, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ nông thôn, các cơ quan chức năng cần tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đường thoát nước, khu vực thu gom rác sau mỗi buổi chợ và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản, thực phẩm.

Còn ông Hoàng Văn Thùy, Giám đốc Ban quản lý chợ Đông Anh (huyện Đông Anh) thông tin: Ban quản lý chợ đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát; yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban quản lý chợ đã bố trí bộ phận đo thân nhiệt, hướng dẫn khách hàng rửa tay, sát khuẩn trước khi vào chợ và giữ khoảng cách khi thanh toán, trao đổi với người bán hàng…; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn định kỳ tại chợ.

 Người dân chấp hành việc đeo khẩu trang tại chợ thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai).

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho đội ngũ cán bộ quản lý và hộ kinh doanh, để nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm… Cùng với đó là phối hợp kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm ra vào chợ, trong đó chú trọng các loại thực phẩm có nguy cơ cao như nhóm hàng nông sản tươi sống; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Mặt khác, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, ban quản lý các chợ, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của tiểu thương trong việc bảo đảm cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phòng dịch ở chợ truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.