Ngày 11-12, tại TP Nam Định, Bộ KH-ĐT và UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2011-2020. Tham dự có 11 tỉnh, thành phố trong vùng.
Đây là hoạt động trong chương trình rà soát, góp ý và xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực cho các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành cả nước. Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ hiện nay, giáo dục, dạy nghề đang quên mất quy hoạch phát triển nhân lực. Đây là vấn đề nêu từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được khắc phục. Nếu chỉ nhìn trách nhiệm của ngành giáo dục và dạy nghề thì không đúng vì trước hết chức năng của hai ngành này là đào tạo theo yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, thực tế xã hội không "đặt hàng" ngành giáo dục và dạy nghề dạy bao nhiêu người, trình độ gì, chuyên môn gì. Từ yêu cầu bảo đảm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có tính khả thi, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần xây dựng quy hoạch về nhân lực để bảo đảm cân đối về nhân lực.
Theo các báo cáo tại hội nghị, vùng Đồng bằng sông Hồng có thực lực và trình độ phát triển kinh tế khá so với nhiều vùng trong cả nước. Hiện nay, tổng quy mô dân số toàn vùng đạt gần 18,5 triệu người. Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Hồng cũng có nhiều hạn chế, khó khăn như đất chật, người đông, chất lượng lao động chưa cao, sức ép giải quyết việc làm lớn... Dự kiến, với việc hoàn thiện, xây dựng sàn việc làm và tạo cơ chế tốt hơn cho thị trường lao động, hằng năm vùng Đồng bằng sông Hồng có khả năng giải quyết cho 350.000-400.000 lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.