(HNM) - Việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết. Tuy nhiên, số lượng các bản kê khai tài sản, thu nhập được kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Năm 2016 có 414 người trong tổng số hơn 1 triệu người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập và không phát hiện trường hợp kê khai không trung thực. Theo các cơ quan chức năng, thời gian tới cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các bản kê khai.
Phải thẩm định, xác minh bản kê khai
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, năm 2016 số bản kê khai tài sản đã công khai lên tới 993.000 bản. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, ở một số nơi, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai còn mang tính hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.
Qua phản ánh của dư luận và báo chí, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, phạm vi công khai bản kê khai còn khá hẹp, có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai. Ngoài ra, việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý nếu không trung thực, mà chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai. Tương tự, việc nộp lại quà tặng thiếu khả thi, thực hiện chưa nghiêm, hiệu quả thấp và khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào đạo đức của cán bộ, công chức.
Thực tế những năm qua, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên nhưng chưa đáp ứng được mong muốn. Gốc rễ của vấn đề là đối tượng kê khai tài sản như hiện nay chưa phù hợp, nhiều trường hợp khó xác định. Từ đó, không ít đại biểu Quốc hội đề nghị nên nghiên cứu theo hướng: Không nhất thiết phải quy định người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai tài sản của người thân nhưng cần thiết phải bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm giải trình đối với những người thân của họ khi những người này có biểu hiện gia tăng tài sản hoặc mua sắm tiêu dùng sa hoa, lãng phí. Đồng thời kết hợp công cụ kiểm soát thuế thu nhập cá nhân để kiểm tra, xác minh trực tiếp đối với những người thân của họ thì sẽ hạn chế tình trạng che giấu bất minh bằng cách chuyển giao tài sản cho người thân.
Cũng về vấn đề này, luật sư Cao Minh Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, ngay cả tài sản của lãnh đạo cấp cao nhưng trong nội bộ còn chưa biết thì làm sao nhân dân biết được. Cần thu hẹp chủ thể phải công khai việc kê khai tài sản, kê khai phải đi kèm với công khai, trước mắt tập trung vào những người có chức vụ quản lý và những vị trí công tác có khả năng dễ xảy ra tham nhũng. Cơ chế này phải được triển khai mạnh mẽ ngay từ khi cán bộ còn đương chức chứ không đợi về hưu rồi mới khởi động. Đặc biệt khi có dư luận về cán bộ có việc kê khai tài sản gian dối, giàu bất minh thì cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc xử lý ngay.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt cũng cho rằng, tới đây phải thu gọn đối tượng kê khai, đã kê khai là phải thẩm định xác minh.
Cần cơ chế kết nối thông tin
Có điều đáng lưu ý là, ở nước ngoài các giao dịch kinh tế đều thông qua tài khoản ngân hàng nên việc quản lý và phát hiện tội phạm rất dễ. Nhưng ở Việt Nam, do sử dụng tiền mặt còn phổ biến, công tác này vẫn khó khăn. Trong khi đó, chỉ khi theo dõi sát sao được biến động tài sản mới nhận biết được dấu hiệu giàu bất thường. Vì vậy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa cho rằng, để thực hiện hiệu quả các đề xuất nêu trên, cần có quy định chặt chẽ về việc thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng đối với các tài sản có giá trị (chẳng hạn từ 50 triệu đồng trở lên). Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế cho việc kết nối thông tin giữa bản kê khai tài sản, thu nhập với bản kê khai thu nhập cá nhân, các giao dịch ngân hàng, các đăng ký quyền sử dụng bất động sản…
Bởi chỉ khi theo dõi được những biến động đó thì mới có thể phát hiện các loại tài sản tăng bất thường. Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất, cần có cơ quan đặc biệt kiểm tra, xử lý các thông tin về tài sản của cán bộ, không giao cho các cơ quan quản lý cán bộ vì họ không có năng lực chuyên sâu để phân tích, đánh giá. Luật sư Cao Minh Hùng cũng kiến nghị, cần sửa đổi một số quy định theo hướng cán bộ, công chức sẽ bị ràng buộc khi không thể giải thích được tài sản của họ. Nếu là tài sản bất minh thì dù đã về hưu hay chưa, khi bị phát hiện, họ đều phải chịu trách nhiệm về hình sự.
Chỉ khi những chế tài mạnh, biện pháp nghiêm khắc như vậy được triển khai đồng bộ, mới có thể hạn chế được tình trạng kê khai tài sản không trung thực, tham nhũng, lãng phí, tránh dư luận cho rằng có sự cả nể, “giơ cao đánh khẽ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.