Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Mai Lâm| 11/05/2016 07:24

(HNM) - Các vụ vi phạm quy định về môi trường không chỉ gây ra những thiệt hại về kinh tế mà còn để lại


Đảng, Nhà nước đã xác định rất rõ mục tiêu phát triển bền vững thay vì phát triển bằng mọi giá. "Phát triển bền vững" là phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Ngay từ năm 1992, Việt Nam đã tham gia và ký Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển bền vững diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil). Cũng từ hội nghị này, "Phát triển bền vững" trở thành tuyên ngôn, chiến lược hành động của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một năm sau, năm 1993, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, sau đó được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005 và 2014. Gần đây nhất, cuối năm 2015, Việt Nam cũng là quốc gia tham gia tích cực, thông qua Thỏa thuận Paris lịch sử tại Hội nghị Thượng đỉnh COP 21. Các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều quy định, văn bản chuyên ngành nhằm bảo đảm hài hòa phát triển.

Tại buổi tọa đàm "Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách" diễn ra ngày 10-5, tại Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho rằng: Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam khá đầy đủ, thậm chí một số tiêu chuẩn còn khắt khe hơn nhiều quốc gia. Trước đây, Bộ Tài nguyên & Môi trường thậm chí còn dự thảo một văn bản quy định, nước thải chăn nuôi phải loại A, mức có thể uống được, khiến các doanh nghiệp, nông dân "xanh mặt". Quy định, tiêu chuẩn đầy đủ, thậm chí khắt khe, vậy tại sao vẫn xảy ra sự cố môi trường, nhiều vụ vi phạm quy định pháp luật về môi trường? Những vụ xả thải nghiêm trọng xảy ra tại doanh nghiệp Sonadezi Long Thành, vụ Vedan xả thải "giết" sông Thị Vải… đã khiến dư luận bức xúc. Họ đã lén lút xả nước thải chưa qua xử lý gây hại môi trường để tiết kiệm chi phí.

Còn các làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ dường như chưa được quan tâm, kiểm tra đúng mức nên "vô tư" xả thải ra môi trường. Nguồn nước ô nhiễm chính là nguyên nhân khiến không ít tuyến sông "sống mòn". Nguồn nước ô nhiễm còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không chỉ nước thải, tình hình kiểm soát khí thải, tiếng ồn công nghiệp… cũng diễn biến khá phức tạp nhưng do "vô hình" nên ít bị để ý.

Thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra những sự cố về môi trường là do công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường còn thiếu sát sao, thậm chí là lỏng lẻo. Tại buổi tọa đàm, chính nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, hệ thống thanh tra môi trường đang có vấn đề. Vấn đề đó là gì? Các cơ quan chức năng cần sớm xác định và có giải pháp xử lý triệt để, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Rõ ràng, nếu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường, các vụ vi phạm sẽ bị ngăn chặn.

Không thể buông lỏng việc kiểm tra, giám sát môi trường!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm tra, giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.