Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường kiểm tra đột xuất các đơn vị “có vấn đề”

Thu Trang| 27/07/2014 05:52

(HNM) - Vấn đề chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội trở nên



Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, thành viên của đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố cho biết, sau sự việc trên, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt tại 100% nhà máy nước, trạm cấp nước trên địa bàn trong 6 tháng cuối năm 2014.

- Sau sự cố, mới bắt đầu kiểm tra quyết liệt, có vẻ như “mất bò mới lo làm chuồng”, thưa ông?

- Trong nhiều năm qua, vấn đề nước sạch luôn được thành phố quan tâm, thông qua nhiều dự án. Tôi xin khẳng định, từ trước đến nay, việc thanh, kiểm tra chất lượng nước vẫn được tiến hành định kỳ, thường xuyên với sự tham gia của 4 ngành chức năng: Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Y tế Hà Nội. Trách nhiệm quản lý cũng rất rõ ràng: Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nước sạch đô thị; Sở NN&PTNT quản lý nguồn nước ở khu vực nông thôn; Sở Tài nguyên - Môi trường cấp phép cho việc khoan giếng và Sở Y tế chịu trách nhiệm giám sát chất lượng nước. Theo quy định của Bộ Y tế, việc giám sát chất lượng nước sinh hoạt được tiến hành 1 tháng/lần kiểm tra chỉ tiêu A, 6 tháng/lần kiểm tra chỉ tiêu B về lý hóa, vi sinh để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Hà Nội sẽ giám sát chất lượng toàn bộ các nhà máy nước, trạm cấp nước trên địa bàn. Ảnh: Quốc Đạt


- Vậy thì tại sao nguồn nước ở Trạm cấp nước Mỹ Đình II nhiễm Asen vượt ngưỡng mà vẫn tồn tại kể từ khi đi vào hoạt động năm 2004? Có hay không tình trạng nước nhiễm Asen trong suốt thời gian hơn 9 năm qua?

- Trạm cấp nước Mỹ Đình II được đưa vào vận hành theo công nghệ của Bộ Tài nguyên - Môi trường, đã được thẩm định về chất lượng và quy trình xử lý nên mới được cấp phép. Vì Asen là chỉ tiêu thuộc nhóm B nên 6 tháng 1 lần có xét nghiệm, nếu có vấn đề bất thường thì Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ lập tức đưa ra khuyến cáo, yêu cầu xử lý. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở về trước, chỉ tiêu về Asen không có vấn đề gì. Đầu năm 2013, kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy chỉ số Asen vẫn dưới ngưỡng cho phép. Chính vì vậy, không có cơ sở để nói người dân phải dùng nước có chỉ số Asen vượt ngưỡng suốt 9 năm liền.

- Vậy thì tại sao kết quả kiểm nghiệm nước tại Trạm cấp nước Mỹ Đình II của Bộ Y tế vào tháng 6 vừa qua và kết quả lấy mẫu xét nghiệm lại của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội vào các ngày 2 và 5-7 đều cho chỉ số Asen cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, trong khi trước đó một tháng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đưa ra kết quả kiểm nghiệm hoàn toàn trái ngược?

- Biến động nước liên quan đến Asen có nhiều nguyên nhân. Thêm vào đó, nguồn nước ở Mỹ Đình không ổn định về chất lượng, nguyên nhân được cho là trạm chỉ khai thác nước ở độ sâu 60m nên bị ảnh hưởng bởi sự thẩm thấu của nước mặt; như vậy, vào mùa mưa, không riêng Asen mà chỉ số khác cũng tăng so với mùa khô. Do vậy, có thể hôm nay kiểm tra thì đạt chuẩn nhưng hôm sau lại không đạt.

- Như ông nói, chất lượng nước không ổn định, thường xuyên có sự biến động. Vậy thì công tác thanh tra, kiểm tra tiến hành theo tần suất như hiện tại liệu có phù hợp?

- Đó là chỉ nói về công tác thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng, thực tế thì các đơn vị cấp nước đều phải thường xuyên kiểm tra và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nước của đơn vị đó. Hằng tuần, các nhà máy nước phải tự lấy mẫu để kiểm tra. Các công ty cấp nước của Hà Nội phải thường xuyên giám sát chất lượng nước tại các nhà máy, trạm cấp nước, kiểm tra chất lượng và vệ sinh toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước, bể chứa trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý hiện tượng rò rỉ, thẩm thấu tại các bể chứa và hệ thống đường ống phân phối, bảo đảm cấp nước sạch cho nhân dân.

- Nếu chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của các đơn vị quản lý và cung cấp nước thì đó có phải là biện pháp quản lý hiệu quả?

- Như tôi đã nói ở trên, công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt được tiến hành định kỳ. Không chỉ kiểm tra thường xuyên, liên tục, các cơ quan chức năng còn tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất việc sử dụng nguồn nước. Đồng thời, các cơ quan liên quan phải thực hiện đúng quy trình xét nghiệm các mẫu nước để có kết quả chính xác, khách quan. Sau sự việc xảy ra ở Trạm cấp nước Mỹ Đình II, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm tại nhiều điểm cấp nước trên địa bàn. Tới đây, kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước đó sẽ được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, yên tâm với nguồn nước mình đang sử dụng.

- Theo ông, cần có thêm giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô?

- Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 121 nhà máy và trạm cấp nước, gồm 17 nhà máy nước, 6 trạm cấp nước cho các khu đô thị và 98 trạm cấp nước nông thôn. Theo tôi, các nhà máy nước phải được trang bị công nghệ hiện đại để xử lý nước. Đối với khu vực thành thị, cần tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp nước, nhất là các nhà máy nước, trạm cấp nước tại các khu tập thể, chung cư. Đối với khu vực nông thôn, cần tăng cường quản lý nguồn nước và hướng dẫn người dân sử dụng, bảo quản, lưu trữ nước bảo đảm vệ sinh. Bên cạnh đó là tăng tần suất thanh tra, kiểm tra đột xuất, đặc biệt là với những đơn vị “có vấn đề”. Hiện nay, độ bao phủ nước sạch chưa lớn, người dân cần có ý thức tiết kiệm nước sạch, giữ gìn nguồn nước, không gây ô nhiễm, không tự ý đục đường ống…

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm tra đột xuất các đơn vị “có vấn đề”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.