Ngày 10/4, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát việc sử dụng chất cấm nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi.
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện có hiện tượng sử dụng chất tạo nạc nhóm Beta - agonist trong chăn nuôi không chỉ ở tỉnh Đồng Nai mà còn ở một số địa phương khác như ở tỉnh Bắc Ninh (đã phát hiện 1 mẫu gan lợn), tỉnh Hòa Bình (đã phát hiện 1 mẫu thức ăn bổ sung tại đại lý), tỉnh Hải Dương (đã phát hiện 1 mẫu thức ăn chăn nuôi ở cơ sở chế biến).
Tăng cường các biện pháp kiểm soát việc sử dụng chất cấm nhóm Beta - agonist trong chăn nuôi - Ảnh minh họa |
Theo đó, việc buôn bán, sử dụng chất Beta - agonist đã cấm sử dụng trong chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thịt lợn. Nếu quản lý không tốt, nguy cơ sử dụng chất Beta - agonist trong chăn nuôi ở các địa phương là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn việc sử dụng chất cấm Beta - agonist trong chăn nuôi, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, góp phần ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh thịt gia súc, Bộ trưởng Bộ Y tế đồng thời là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo và triển khai đồng bộ một số biện pháp cấp bách như, chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động giám sát nguy cơ sử dụng chất Beta - agonist trong suốt quá trình chăn nuôi (chế biến, kinh doanh thức ăn gia súc; kinh doanh, sử dụng chất cấm Beta - agonist trong chăn nuôi; tồn dư trên nước tiểu gia súc giết mổ; trên thịt gia súc và sản phẩm); lấy mẫu nghi ngờ gửi cơ sở kiểm nghiệm tồn dư hóa chất Beta - agonist đã được chỉ định.
Trước mắt tập trung giám sát các trang trại chăn nuôi lợn; các cơ sở kinh doanh thuốc thú y; các cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; các cơ sở giết mổ lợn; các cơ sở kinh doanh thịt đầu mối. Cập nhật thông tin kịp thời để đánh giá đúng mức độ, quy mô vi phạm sử dụng chất Beta - agonist trên địa bàn.
Đồng thời, thành lập các đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp với chính quyền địa phương thanh kiểm tra, truy nguyên nguồn gốc, phát hiện sớm các vi phạm về kinh doanh, sử dụng chất Beta - agonist ngay tại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y; các cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; các trang trại chăn nuôi; các cơ sở giết mổ; các cơ sở kinh doanh thịt đầu mối tại địa phương theo quy định tại Nghị định số 8/2010/NĐ-CP ngày 5/2/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi; Thông tư số 54/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/09/2010 quy định việc kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm Beta - agonist trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đặc biệt là các hành vi kinh doanh, sử dụng chất Beta - agonist trong chăn nuôi theo Nghị định số 8/2011/NĐ-CP ngày 21/01/2011 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về thức ăn chăn nuôi; công khai rộng rãi các vi phạm sử dụng chất Beta - agonist trên các phương tiện thông tin để cảnh báo nguy cơ cho người tiêu dùng.
Mặt khác, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu, cần chỉ đạo các đơn vị chức năng thông tin đầy đủ, xác thực, kịp thời về tình hình vi phạm quy định sử dụng chất Beta - agonist trong chăn nuôi để tránh tâm lý hoang mang, tẩy chay sản phẩm có chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thịt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tin thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của chất cấm và tự giác không sử dụng hóa chất nhóm Beta – agonist trong chăn nuôi của người sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi; chỉ sử dụng thịt có nguồn gốc an toàn, thịt đã được kiểm soát thú y.
Chỉ đạo UBND các cấp và Sở NNPTNT phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm địa phương triển khai đồng bộ, thường xuyên các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, chế biến, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, trong các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ và cơ sở kinh doanh thịt trên địa bàn. Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.