Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường khả năng phòng vệ

Đình Hiệp| 21/12/2013 06:51

(HNM) - Hơn 10 ngày sau khi thành lập Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) theo mô hình kiểu Mỹ, ngày 17-12 vừa qua, Nhật Bản tiếp tục thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới.

Trong bối cảnh an ninh khu vực Đông Bắc Á diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc mới đây tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, việc thành lập NSC cũng như thông qua chiến lược an ninh quốc gia, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để Nhật Bản tăng cường hơn nữa năng lực quốc phòng, bảo vệ lãnh thổ quốc gia.


Một trong những điểm mới trong chiến lược an ninh quốc gia vừa được nội các Nhật Bản phê chuẩn là việc Tokyo sẽ tìm kiếm vai trò an ninh "chủ động" hơn cho Lực lượng phòng vệ (SDF) ở nước ngoài, đồng thời vạch ra các phương hướng chỉ đạo về hoạt động xuất khẩu vũ khí. Trong chiến lược an ninh quốc gia mới này, nội dung các nguyên tắc chỉ đạo chương trình quốc phòng và kế hoạch xây dựng quốc phòng trung hạn cũng đã được phê chuẩn. Trong đó, Nhật Bản sẽ thành lập đơn vị đổ bộ có khả năng giành lại các đảo xa như quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc cũng đang tuyên bố chủ quyền, gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông; phối hợp các chiến dịch của SDF nhằm tăng cường giám sát và phản ứng nhanh trước các biến cố bất ngờ. Ngoài ra, Nhật Bản có kế hoạch triển khai các hệ thống cảnh báo sớm, tàu ngầm, hệ thống phòng thủ tên lửa để đẩy mạnh hoạt động tình báo trong khu vực.

Điều đặc biệt nữa, chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản lần đầu tiên tăng ngân sách cho quốc phòng sau hai lần cắt giảm liên tiếp. Cụ thể, Nhật Bản sẽ chi khoảng 24.700 tỷ yên (tương đương 240 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng giai đoạn 2014-2019. Ngân khoản này sẽ được dùng cho việc mua 3 máy bay không người lái phục vụ hoạt động giám sát, 99 xe chiến đấu diễn tập, 52 xe đổ bộ và 17 máy bay vận tải Osprey của Mỹ cho các lực lượng phòng vệ mặt đất và trên biển. Ngoài ra, Nhật sẽ trang bị 28 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, mua 3 máy bay tiếp liệu trên không và 4 máy bay cảnh báo sớm cho Lực lượng phòng vệ trên không.

Hiện ngân sách quốc phòng giai đoạn 5 năm, tính đến hết tháng 4-2014, của Nhật Bản là 23.500 tỷ yên. Với việc chi tiêu quân sự sẽ tăng thêm 5% trong 5 năm tới, Nhật Bản hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực quốc phòng nhằm sẵn sàng đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra đối với an ninh quốc gia. Việc thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới là quyết sách quốc phòng đầu tiên kể từ khi Nhật Bản chính thức thành lập NSC. Việc khởi động NSC được coi là một trong những trụ cột chính của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tái cấu trúc thế trận quốc phòng và tăng cường các năng lực quốc phòng của SDF.

Nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc khẳng định, chiến lược an ninh quốc gia hoàn toàn rõ ràng và minh bạch, thể hiện chính sách an ninh và ngoại giao của Nhật Bản. Tuy nhiên, không ít chuyên gia phân tích cho rằng, động thái này là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng S.Abe nhằm đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc quân sự lớn. Với thế mạnh là một quốc gia có cơ sở công nghiệp và công nghệ tiên tiến, Nhật Bản có tiềm năng trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí hiện đại với số lượng đáng kể, hứa hẹn trở thành một đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu vũ khí. Điều này cũng có tác động đáng kể trong bối cảnh phức tạp tại Đông Bắc Á.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường khả năng phòng vệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.