(HNM) - Sau nhiều nỗ lực của các bên liên quan, Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc lần đầu tiên trong hơn 3 năm qua vừa diễn ra chiều 1-11 tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Trong bối cảnh quan hệ giữa ba quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á liên tục căng thẳng do tranh chấp
Trong bối cảnh quan hệ giữa ba quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á liên tục căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử trong thời gian qua, cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy hòa bình, bảo đảm an ninh cũng như hợp tác kinh tế của khu vực.
Tổng thống Park Geun-hye (giữa), Thủ tướng Lý Khắc Cường (phải) và Thủ tướng Shinzo Abe (trái) trong cuộc họp diễn ra chiều 1-11. |
Kể từ lần gặp cuối giữa nhà lãnh đạo 3 nền kinh tế đầu tàu khu vực Châu Á vào năm 2012, quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm. Bất đồng lớn giữa các bên xoay quanh vấn đề lịch sử thời chiến tranh và trở thành rào cản quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc. Đó là lý do vì sao cuộc gặp giữa lãnh đạo ba nước bị trì hoãn trong suốt hơn 3 năm qua. Cùng với đó, việc Mỹ chuyển hướng chiến lược sang Châu Á và can dự ngày càng sâu vào khu vực địa chiến lược, chính trị, kinh tế này cũng là nhân tố tác động đến quan hệ Trung-Nhật-Hàn. Dù không đề cập trực tiếp, nhưng Washington muốn Tokyo và Seoul cải thiện quan hệ để "kiềm chế" ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, đặc biệt trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng như tăng cường hợp tác an ninh đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh, ngoại trưởng ba nước đã có những bước đi cần thiết. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Seoul nhằm tăng cường nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước. Ngoại trưởng Fumio Kishida cũng gặp người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se để chuẩn bị cho cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng S.Abe và Tổng thống Park Geun-hye diễn ra ngày 2-11 sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh ba bên. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Hàn đầu tiên kể từ khi hai nhà lãnh đạo trên nhậm chức. Một trong những vấn đề gai góc trong quan hệ Nhật-Hàn thời gian qua là "phụ nữ mua vui" thời chiến tranh - vốn gây căng thẳng trong quan hệ hai nước. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2-2013, Tổng thống Park Geun-hye đã bày tỏ hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết theo cách chấp nhận được đối với các nạn nhân còn sống, như thông qua một lời xin lỗi hoặc bồi thường. Tuy nhiên, Nhật Bản cho rằng vấn đề đã được giải quyết theo các hiệp ước song phương bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1965.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của cải thiện quan hệ ba bên trong nỗ lực bảo đảm an ninh cũng như hợp tác kinh tế của khu vực, theo Tuyên bố chung Seoul, ba nhà lãnh đạo cho rằng cơ chế hợp tác 3 bên cần được nối lại; đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác tại Đông Bắc Á. Ba nhà lãnh đạo cũng nhất trí tạm thời gạt sang một bên những khúc mắc lịch sử để thảo luận những mối quan tâm chung về an ninh và thương mại. Bày tỏ hy vọng ba nước sẽ tiến bước trên con đường cùng tồn tại và hợp tác, Tổng thống nước chủ nhà Park Geun-hye cho rằng ba nước đang làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế mặc dù các cuộc tranh cãi liên quan đến chính trị và an ninh đang cản trở các nước láng giềng này phát huy tối đa tiềm năng hợp tác. Tổng thống Park Geun-hye cũng nhất trí phối hợp với lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản để hướng tới hoàn thiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP). Trong khi đó, Thủ tướng S.Abe kêu gọi lãnh đạo ba nước góp phần đẩy mạnh tăng cường hợp tác ba bên. Về phần mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, bản thân Hội nghị là bước đi ban đầu hướng tới sự hợp tác ba bên, nhưng cũng nói rõ rằng sự hợp tác cần được thực hiện dựa trên việc giải quyết các vấn đề nhạy cảm, trong đó có cả các vấn đề lịch sử để lại.
Dù không ghi nhận đột phá quan trọng nào trong cuộc gặp, song sự kiện các nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn bắt tay nhau rồi cùng ngồi đàm phán là dấu hiệu tích cực góp phần cải thiện quan hệ giữa các cường quốc ở khu vực Đông Bắc Á. Các chuyên gia cho rằng nếu thành công, RCEP ba bên Trung-Nhật-Hàn sẽ giúp hình thành một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 15.000 tỷ USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.