Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường hỗ trợ lao động mất việc

Dung Nhi| 08/12/2022 06:14

(HNM) - 11 tháng của năm 2022, có 67.000 lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Dự kiến đến hết năm 2022, có 72.000-73.000 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung bình 5.000-6.000 lao động thất nghiệp/tháng, tăng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ lao động mất việc làm, giúp họ sớm ổn định đời sống.

Giải quyết thủ tục hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều lao động mất việc làm

Trong 15 ngày gần đây, chị Lê Thị Huyền, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) lang thang khắp nơi để tìm việc làm do vừa nghỉ việc vì cắt giảm nhân công. Mặc dù đã tìm kiếm việc làm trên các hội nhóm công nhân nhưng công ty tuyển nhân viên mới không nhiều, có chỗ cần người nhưng chị Huyền lại không phù hợp. Do vậy, một mặt chị Huyền dành dụm đồng tiền ít ỏi mua hoa quả bán tại các khu nhà trọ ở xã Hải Bối (huyện Đông Anh) mặt khác chị Huyền vẫn nộp đơn tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm vệ tinh Đông Anh mong tìm kiếm việc làm phù hợp.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Cương, vốn là công nhân một doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử tại một công ty trong Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), hiện đang tạm thời làm bốc vác thời vụ để bám trụ qua dịp Tết cận kề. Anh Cương cho biết, anh làm việc ở khu công nghiệp được hơn một năm thì cuối tháng 10-2022 phải nghỉ việc do công ty gặp khó khăn nên đã đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian hơn một tháng qua, anh đôn đáo nộp hồ sơ xin việc ở các công ty trên địa bàn huyện Chương Mỹ nhưng chưa được tiếp nhận. Do vậy, anh đã làm bốc vác thuê hoặc phu hồ để có thêm thu nhập.

Tại phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tuần qua, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp có mong muốn tìm kiếm việc làm gia tăng. Đánh giá chung của trung tâm cho thấy, nguyên nhân thất nghiệp gia tăng là do tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản, thay đổi cơ cấu, dẫn đến chấm dứt hợp đồng với nhiều lao động trước hạn. Tuy nhiên, tình trạng lao động ở Hà Nội thất nghiệp cuối năm nay không ồ ạt như phía Nam, chưa ghi nhận hiện tượng mất việc tập thể.

Đồng bộ giải pháp hỗ trợ người lao động

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, trung bình có 5.000-6.000 lao động thất nghiệp/tháng trong quý IV-2022, tăng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 4,35 triệu đồng/tháng với thời gian hưởng 5,5 tháng. Để hỗ trợ người lao động, theo chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trung tâm thường xuyên kết hợp với các địa phương nắm bắt thông tin về tình hình của doanh nghiệp, thực tế thất nghiệp của người lao động để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Trung tâm cũng tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động thất nghiệp để kết nối với doanh nghiệp khác có nhu cầu tuyển dụng, tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động. Đáng nói, trung tâm hỗ trợ tối ưu giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho lao động, bảo đảm quyền lợi, giúp lao động được sử dụng khoản tiền dự phòng một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, các bộ phận hỗ trợ học nghề cũng tư vấn, định hướng và trợ giúp người lao động học tập, nâng cao trình độ tay nghề, trang bị thêm những kỹ năng nghề nghiệp khác khi có cơ hội.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Văn phòng giới thiệu sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vi Thị Hồng Minh cho rằng, các cơ quan chức năng cần có chính sách giúp doanh nghiệp giữ việc cho lao động. Trong đó, có việc trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng bảo hiểm thất nghiệp...

Để giảm bớt gánh nặng cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn chủ động nắm thực trạng thất nghiệp, đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động, xây dựng phương án sử dụng, sắp xếp thời gian làm việc của người lao động trên cơ sở giữ tối đa số lượng lao động có việc làm, thu nhập, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng với người lao động. Nếu doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động thì các cấp công đoàn phải giám sát chặt chẽ để họ triển khai thực hiện quy định, mang lại quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Ngoài ra, triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, VCCI đã nhóm họp về tình hình công nhân giảm, mất việc làm. Liên ngành đã thống nhất đề xuất trình Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm. Đó là, có thêm gói tài chính hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân; gói hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại cho lao động, nâng cao tay nghề; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất để duy trì việc làm; xem xét miễn, giảm, hoãn một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hỗ trợ lao động mất việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.