(HNMO) - Trong khi nguồn cung thịt lợn trong nước cũng như nguồn thịt lợn nhập khẩu về tăng cao, có một thực tế là giá thịt lợn bán tại các trang trại và tại chợ dân sinh không hề giảm. Vậy đâu là giải pháp để ổn định thị trường thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới?
Liệu có sự "thổi giá"?
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, ngày 16-1, giá thịt lợn hơi bán tại các trang trại trên địa bàn thành phố dao động trong khoảng 83.000-85.000 đồng/kg, tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với ngày 15-1 và tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với tháng 11-2020, là thời điểm có giá “dễ chịu” nhất trong năm 2020.
Ông Nguyễn Hưng Thỉnh (ở xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ) cho biết, ngày 16-1, trang trại vừa xuất chuồng 2 con lợn với giá 83.000 đồng/kg. Ông Thỉnh dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng, nhưng không cao như Tết năm 2020 và sẽ ổn định ở mức 85.000-87.000 đồng/kg. Một trong những lý do là Nhà nước cho phép doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống, nên giá sẽ được “kéo” xuống vì nguồn cung được bảo đảm.
Trong khi giá thịt lợn hơi ở các trang trại không tăng đột biến, thì giá bán tại chợ dân sinh bị đẩy lên khá cao và mỗi nơi một giá. Theo bà Trần Thị Dung, tiểu thương ở chợ Vồ (quận Hà Đông), thời điểm hiện tại, giá thịt lợn bán tại chợ dao dộng trong khoảng 130.000-170.000 đồng/kg, trong đó thịt ba chỉ, sườn có giá 170.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tháng 12-2020… Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mùi, ở chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) cho biết, thịt lợn ba chỉ có giá 160.000 đồng/kg; sườn 160.000 đồng/kg... Điều này cho thấy, ở mỗi chợ dân sinh, giá thịt lợn lại khác khau.
Về nguồn cung thịt lợn phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trọng thông tin, đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 27,3 triệu con (tăng 20% so với tháng 1-2020). Từ ngày 1-1-2021 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 600 tấn thịt lợn các loại, từ các nước: Nga, Ba Lan, Brazil, Canada...; các doanh nghiệp đã nhập khẩu 53.053 con lợn thịt.
“Do tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, công tác tái đàn lợn đang phát triển tốt, cùng với lượng thịt nhập khẩu về, cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung - cầu và sẽ không bị thiếu hụt thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết.
Là doanh nghiệp mỗi tháng cung cấp cho Hà Nội khoảng 300 tấn thịt lợn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm chế biến Nam Hà Nội Võ Việt Dũng cho biết, để chuẩn bị cho thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới, doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng gấp 1,5 lần so với các tháng bình thường.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương thông tin, để góp phần bảo đảm nguồn cung mặt hàng thịt, bên cạnh khai thác tại thị trường trong nước, công ty đã chủ động nhập khẩu từ Mỹ một lượng khá lớn các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà.
Như vậy, nguồn cung thịt lợn cho thị trường cơ bản được bảo đảm, nên với sự tăng giá nêu trên, có thể đặt câu hỏi: Phải chăng đã có sự “thổi giá” của thương lái, người kinh doanh tại các chợ?
Tăng cường giải pháp ổn định thị trường
Từ những vấn đề nêu trên, để ổn định giá thịt lợn trên thị trường, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát từ sản xuất, đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ, đặc biệt là quản lý giá cả tại các chợ dân sinh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng qua 2-5 khâu trung gian, khiến giá thịt lợn tăng khoảng 43%. Do vậy, bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh việc tái đàn lợn nhằm bảo đảm nguồn cung, thì việc giảm tối đa khâu trung gian từ giết mổ tới tiêu thụ trên thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với đó là tăng cường các biện pháp kiểm soát thị trường, nhất là giá bán ở các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cũng như ở chợ dân sinh.
Về kiểm soát khâu tiêu thụ thịt lợn, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, qua đó xử lý nghiêm các doanh nghiệp, người kinh doanh có biểu hiện lợi dụng găm hàng hoặc đẩy giá bán thịt lợn một cách bất hợp lý…
Còn ông Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất thông tin, huyện đã yêu cầu các đơn vị phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các hành vi tăng giá, gây bất ổn thị trường từ các cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ, doanh nghiệp...; đồng thời, thường xuyên kiểm tra về an toàn thực phẩm và tiêu thụ tại chợ dân sinh, qua đó xử lý nghiêm khắc, kịp thời các trường hợp kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và tăng giá quá cao, gây bất ổn cho thị trường.
Ở góc độ của doanh nghiệp, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng, về lâu dài, để bảo đảm ổn định thị trường thịt lợn cần phải bớt khâu trung gian bằng cách sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Như vậy, trước mắt, để ổn định giá mặt hàng thịt lợn, các cơ quan chức năng cần triển khai ngay các giải pháp ngăn tình trạng thương lái, tiểu thương lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân để “thổi giá”. Cùng với đó, các bộ, ngành tham mưu Chính phủ xem xét đưa mặt hàng thịt lợn vào nhóm hàng hóa bình ổn giá. Còn về lâu dài, cần sản xuất theo chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn để ổn định giá thịt lợn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.