(HNMCT) - Là quốc gia bé nhỏ nằm giữa lòng châu Âu, nhưng những cuốn sách của Cộng hòa Séc từ lâu đã vươn xa ngoài biên giới của đất nước, trong đó đặc biệt phải kể đến văn học thiếu nhi Séc với các minh họa đầy sắc màu.
Mở cánh cửa ra thế giới mới
Những năm gần đây, văn học Séc được giới thiệu về Việt Nam ngày càng nhiều qua các chương trình giới thiệu sách văn học Việt - Séc hay các hoạt động trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu tại Việt Nam. Nhiều tác phẩm kinh điển của văn học Séc đã lần lượt được ra mắt độc giả Việt như “Thư gửi bố”, “Hóa thân”, “Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông”, “Đời nhẹ khôn kham”, “Sự bất tử”, “Hoa cúc xanh”, “Tiền từ Hitler”...
Văn học Séc có khá nhiều nhà văn nổi tiếng với những cái tên như Franz Kafka, Karel Čapek, Jaroslav Hašek, Milan Kundera, Bohumil Hrabal, Jan Neruda... Nhưng do bối cảnh lịch sử của đất nước, các sự kiện chính trị và chính sách ngôn ngữ, nhiều tác giả, tác phẩm có số phận nổi chìm. Trong tập "Bohumil Hrabal truyện ngắn", dịch giả Phạm Thành Hưng từng giới thiệu: “B.Hrabal đã thực sự thuộc vào thế hệ những người không may mắn, những người “đầu thai nhầm... thập kỷ”. Tập bản thảo “Đường phố bị bỏ rơi” của B.Hrabal từng bị “bỏ rơi” đến gần 50 năm mới được tìm lại và xuất bản, hay khi Hội Nhà văn Séc bị giải tán vào năm 1968, B.Hrabal gần như bị treo bút.
Số phận của cuốn tiểu thuyết độc đáo “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới” cũng rất lạ kỳ. Khi những người dân thường đọc một cách say mê và khoái chí thì cả một thời gian dài, làng văn Séc hầu như không chấp nhận cuốn tiểu thuyết này, không coi đó là một tác phẩm văn học, đồng thời cũng không coi tác giả của cuốn sách là nhà văn. Có lẽ người ta không ngờ rằng đến nay cuốn tiểu thuyết này đã được dịch ra gần 60 ngôn ngữ, trở thành tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài nhiều nhất văn học Séc.
Thế giới nhiệm màu của minh họa
Cùng với các tác phẩm văn học kinh điển, những cuốn sách thiếu nhi Séc góp phần không nhỏ mở ra cánh cửa để độc giả các nước bước vào thế giới sách. Đối với người Séc, các họa sĩ minh họa là những người đồng sáng tạo quan trọng, cùng với những người kể chuyện, để làm nên những cuốn sách thiếu nhi tuyệt vời.
Đất nước Séc có truyền thống làm sách tranh từ thế kỷ XIX, tuy nhiên, khi ấy nhiều tranh minh họa còn thiếu tính văn chương. Chỉ đến khi những bức vẽ bằng bút và mực của họa sĩ Mikoláš Aleš song hành với những khúc hát dân gian, những bài đồng dao và truyện cổ tích ra đời, tranh minh họa Séc như bước lên nấc thang mới. Năm 1949, NXB Albatros chuyên về văn học cho thiếu nhi được thành lập, đã đưa đến sự hợp tác chặt chẽ giữa các biên tập viên văn học nghệ thuật và các họa sĩ để từ đó khám phá ra ý tưởng làm sách mới.
Nhiều thế hệ họa sĩ người Séc gặt hái thành công trong lĩnh vực sách thiếu nhi. Có thể kể đến họa sĩ Adolf Born đã minh họa cho hơn 230 cuốn sách, giành các giải thưởng “Cuốn sách minh họa hay nhất năm 1982”, Huy chương đồng “Cuốn sách có minh họa hay nhất thế giới” năm 1987, “Hiệp sĩ của hội họa và văn chương” - giải thưởng Pháp năm 2003. Họa sĩ Zdeněk Burian đã tạo ra hơn 14.000 tác phẩm cho hơn 500 cuốn sách phiêu lưu, nhiều tác phẩm của ông trở thành một phần không thể thiếu trong các bộ sưu tập của bảo tàng ở Los Angeles, Paris, Tokyo. Họa sĩ Jaroslav Němeček nổi tiếng với bộ truyện tranh Čtyřlístek được xuất bản dài kỳ nhất từ năm 1969 đến nay tại Séc, và sau nửa thế kỷ, bộ truyện vẫn có lượng phát hành cao, trở thành một hiện tượng văn hóa...
Mỗi họa sĩ mang đến một phong cách minh họa rất riêng. Nếu họa sĩ Karel Franta chọn chủ đề chính là âm nhạc và nhân vật yêu thích là con quỷ ngốc nghếch, vô hại thì họa sĩ Mirko Hanák thường chọn vẽ về thiên nhiên với rừng cây, cánh đồng, thảo nguyên và muôn loài. Trong khi các tác phẩm của họa sĩ Stanislav Holý thường đơn giản và hài hước thì các tác phẩm của Jan Kudláček êm dịu và đầy chất thơ...
Tác phẩm của các họa sĩ vẽ tranh minh họa Séc không chỉ nổi bật vì sức sáng tạo, khả năng tưởng tượng không giới hạn mà còn bởi tính nhân văn, niềm vui mà mỗi bức tranh có thể mang lại cho trẻ em. Với mong muốn mang đến cho các độc giả nhỏ tuổi nước Việt góc nhìn đầy màu sắc, mới lạ và độc đáo, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam đã phối hợp cùng NXB Kim Đồng tổ chức triển lãm “Thế giới nhiệm màu của các họa sĩ minh họa sách thiếu nhi Séc” từ ngày 9-9 đến 18-9 tại Hà Nội.
Một số cuốn sách minh họa của nhà văn và họa sĩ Séc cũng được giới thiệu trong dịp này như “Max, Sally và chiếc điện thoại thần kỳ”, “Bo và Be - Đôi thỏ tinh nghịch”, “Cánh cửa thần kỳ”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.