Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường đối thoại, hướng chính quyền các cấp phục vụ người dân tốt hơn

Hiền Chi| 14/05/2017 06:35

(HNM) - Việc thu thập và công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) được triển khai liên tục trong 6 năm qua, đã trở thành một “kênh” đánh giá khá hiệu quả, được nhiều địa phương coi trọng, hướng chính quyền các cấp phục vụ người dân tốt hơn.



PAPI là công cụ đánh giá khách quan, chính xác

- Liên tục 6 năm qua, UNDP tại Việt Nam đã cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng; Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thực hiện khảo sát chỉ số PAPI. Xin bà cho biết ý nghĩa, hiệu quả của PAPI?

- Trước hết, tôi xin chia sẻ vắn tắt về phương pháp thực hiện nghiên cứu PAPI. Mục tiêu của nghiên cứu là bảo đảm những kết quả thu thập được từ người dân mang tính khách quan nhất, chính xác nhất. Xin khẳng định, nghiên cứu PAPI bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế về phương pháp luận. Về lựa chọn mẫu, để bảo đảm tính ngẫu nhiên, không có sự can thiệp của các cấp chính quyền, chúng tôi lấy danh sách cử tri từ 18 tuổi trở lên ở tất cả các đơn vị thôn, tổ dân phố được chọn ngẫu nhiên cho khảo sát nhờ sự hỗ trợ và phối hợp của Ủy ban MTTQ địa phương. Từ những danh sách cử tri đó, chúng tôi chọn ngẫu nhiên người trả lời qua máy vi tính để không có sự can thiệp của con người. Chúng tôi thu thập thông tin qua bộ phiếu hỏi đã thiết kế, lấy ý kiến của công dân, rồi tập hợp các dữ liệu để phân tích và đưa ra một bức tranh chung về quản trị và hành chính công của mỗi tỉnh, thành phố.

Qua 6 năm thực hiện, có thể nói, đến nay chính quyền nhiều địa phương đã ghi nhận chỉ số PAPI như một thước đo từ bên ngoài bộ máy nhà nước để có thể nhìn lại mình. Hiện 36 tỉnh, thành phố, trong đó có TP Hà Nội đã có chương trình hoặc kế hoạch hành động trước dữ liệu thông tin PAPI đưa ra nhằm giúp chính quyền địa phương cải thiện cách phục vụ người dân. Tương tự, có 58 địa phương, trong đó có TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo để chia sẻ về kết quả của PAPI, đồng thời yêu cầu chính quyền cơ sở có những động thái nhất định nhằm chấn chỉnh hoạt động.

Ở những địa phương như: Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh..., chúng tôi nhận thấy có dư âm nhất định về sự thay đổi cách làm việc, cách ứng xử của cán bộ, công chức với công dân. Điều này phản ánh thông qua kết quả chỉ số PAPI dần cải thiện qua các năm. Song, cũng có những tỉnh quan tâm đến PAPI, nhưng kết quả không cao, vì những hạn chế, khó khăn về nguồn lực (tài lực, nhân lực) của địa phương hoặc sự đầu tư chưa đồng đều giữa cấp tỉnh và cấp cơ sở.

- PAPI năm 2016 cho thấy, chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” của các tỉnh, thành phố đều cải thiện hơn so với những năm qua. Kết quả này có đồng đều giữa các địa phương và có bền vững không, thưa bà?

- Nội dung “Cung ứng dịch vụ công” gồm: Y tế công lập, giáo dục tiểu học, cơ sở hạ tầng căn bản, an ninh trật tự. Điểm trung bình toàn quốc về nội dung này có xu hướng gia tăng. Đặc biệt là năm 2016 có sự gia tăng về mức độ hài lòng của người dân có bảo hiểm y tế. Nếu như năm 2011 có 57,28% người trả lời có bảo hiểm y tế thì năm 2016 con số này là 73,66%. Cùng với đó là xu thế biến đổi tích cực ở chất lượng dịch vụ của trường tiểu học công lập và mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ tiểu học công lập nói chung.

Xu hướng chung của toàn quốc là gia tăng, nhưng kết quả không đồng đều giữa các địa phương, nhất là một số thành phố có mức độ gia tăng dân số nhanh, kéo theo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng căn bản. Điều này cũng lý giải vì sao nội dung này của TP Hà Nội thấp hơn so với các thành phố trực thuộc trung ương khác.

Hà Nội cần thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính”

- Bà vừa đề cập đến kết quả PAPI năm 2016 của Hà Nội cho thấy, trong chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công” cũng có những bước tiến tốt. Trong đó, TP Hà Nội là địa phương, từ vị trí ở nhóm điểm thấp nhất năm 2015 đã vươn lên nhóm điểm trung bình cao năm 2016. Theo bà, đâu là những yếu tố quan trọng để có sự chuyển biến tích cực đó?

- Năm 2016, trong chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”, Hà Nội được đánh giá tốt về dịch vụ hành chính ở cấp xã, phường, thị trấn và dịch vụ hành chính cấp giấy phép xây dựng. Điều này được phản ánh qua đánh giá tích cực hơn của người dân ở các tiêu chí: Phí và lệ phí làm thủ tục được niêm yết công khai; công chức thạo việc; công chức có thái độ lịch sự và người dân được nhận kết quả đúng lịch hẹn.

- Bên cạnh kết quả đạt được, TP Hà Nội vẫn còn 3/6 chỉ số nội dung đạt điểm thấp là: “Công khai, minh bạch”, “Trách nhiệm giải trình” và “Kiểm soát tham nhũng”. Vậy theo bà, Hà Nội cần làm gì để nâng cao chỉ số PAPI trong thời gian tới?


- TP Hà Nội có thể nhìn vào những tiêu chí được đánh giá cùng với các chỉ số khác như, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để có chiến lược giải quyết đúng vấn đề. Cụ thể là, để thực hiện được “công khai, minh bạch”, “kiểm soát tham nhũng” và “trách nhiệm giải trình”, cần sự giám sát của thành phố để bảo đảm việc thực thi chính sách đồng đều giữa các quận, huyện, thị xã. Một cách làm nữa là, để tăng tính hiệu quả của thanh tra công vụ, ngoài các cuộc định kỳ có thể kiểm tra đột xuất bằng cách cử cán bộ đến cơ sở quan sát thực tiễn, ghi lại tất cả những điểm mà các đơn vị đã làm được và chưa làm được dựa trên các tiêu chí PAPI đánh giá. Sau đó, cán bộ tổng hợp lại báo cáo cấp trên. Tiếp đó là thông báo cho đơn vị để họ chấn chỉnh. Đây là cách làm không tốn kém và phản ánh thực chất hơn so với kiểm tra định kỳ, có thông báo trước. Chính quyền địa phương hoàn toàn có thể làm được nếu muốn theo dõi và giám sát để đánh giá thực chất hiệu quả thực hiện công vụ ở cơ sở. Đối với các quận, huyện, thị xã muốn củng cố kết quả, chỉ cần học hỏi những đơn vị đã làm tốt bằng cách đến xem thái độ cán bộ, công chức, viên chức ở đó phục vụ thế nào, cách họ niêm yết công khai ra sao…

- TP Hà Nội chọn chủ đề năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”. Bà có cho rằng, điều này có tác động trong việc nâng chỉ số PAPI của thành phố không?


- Tôi nghĩ rằng, đó là mục tiêu để TP Hà Nội phục vụ người dân tốt hơn. Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung nên coi sự hài lòng của người dân là mục tiêu chứ không phải chỉ số PAPI. Khi người dân và doanh nghiệp hài lòng sẽ phản ánh vào khảo sát đánh giá của PAPI và PCI. Tôi tin rằng, TP Hà Nội thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính” thì đánh giá của người dân sẽ tốt và PAPI sẽ tăng lên.

Tăng tính chủ động của chính quyền

- Trở lại vấn đề mang tính toàn quốc, PAPI năm 2016 cũng cho thấy, việc “Kiểm soát tham nhũng” của chính quyền địa phương và “Quyết tâm chống tham nhũng” chưa có nhiều chuyển biến. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và cần có biện pháp gì khắc phục?


- Kết quả khảo sát cho thấy, điểm số của những nội dung này đang quay lại điểm xuất phát của đầu nhiệm kỳ chính quyền trước (năm 2011). Đây là điều mà chúng tôi băn khoăn, bởi khi nhìn vào những dữ liệu PAPI thống kê qua các năm, một trong những điểm yếu của “Kiểm soát tham nhũng” là sự vòi vĩnh trong khu vực công, là sự thiếu công bằng trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Quyết tâm phòng, chống tham nhũng cần có ở cả người dân và chính quyền. Bên cạnh đó, để tạo niềm tin cho người dân thì với những vụ việc tham nhũng xảy ra, chính quyền cần giải quyết thấu đáo, công bố công khai kết quả xử lý cho người dân biết.

- Vai trò giám sát của người dân luôn được đề cao, song dường như việc thực hiện chưa được như mong muốn. Theo bà, cần làm gì để tăng thiết chế bảo đảm trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân?


- Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng vai trò giám sát của người dân chưa được phát huy cao độ. Vì vậy, PAPI đi sâu khảo sát chi tiết về các vấn đề rất cụ thể để nắm được những phản ánh của người dân được chọn ngẫu nhiên. Để tăng trách nhiệm giải trình của chính quyền, việc đầu tiên là thực hiện tốt Luật Tiếp công dân. Không ai khác, chính quyền địa phương nên tăng tính chủ động giải trình; cầu thị, lắng nghe ý kiến của công dân. Trên thực tế, chúng tôi thấy rằng, ở đâu có sự cầu thị lắng nghe, đối thoại thì ở đó giải quyết tốt các vấn đề. Cả 4 thành tố liên quan tới mảng quản trị công mà PAPI đo lường (sự tham gia của người dân cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công) đều còn hạn chế. Do đó, các vấn đề về quản trị công ở Việt Nam cần được thúc đẩy hơn nữa.

- Theo bà, dữ liệu của PAPI trong những năm qua có ý nghĩa thế nào đối với việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân?

- PAPI hướng chính quyền các cấp tới phục vụ người dân tốt hơn. Chúng tôi rất vui vì điều này hoàn toàn trùng hợp với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Điều quan trọng là biến những ý chí đó thành hành động.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường đối thoại, hướng chính quyền các cấp phục vụ người dân tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.