(HNM) - Sau hơn 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện nhịp sống đã dần trở lại trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động. Nếu như trước đây trên môi trường mạng, thông tin giả mạo, thông tin xấu độc chủ yếu liên quan đến dịch bệnh thì nay đa dạng hơn với đủ các lĩnh vực và hình thức. Do vậy, người dân cần cẩn trọng, nâng cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân hoặc tiếp tay phát tán thông tin xấu độc…
Đủ loại thông tin thất thiệt
Trong lĩnh vực kinh tế, khi cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật, thì có một số cá nhân lợi dụng sự ảnh hưởng trên mạng xã hội đã đưa những thông tin thất thiệt, chưa chính xác, gây tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và trực tiếp gây thiệt hại về kinh tế cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Liên quan đến loại hành vi này, đầu tháng 4-2022, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đặng Như Quỳnh (một nhân vật có tiếng trên mạng xã hội Facebook) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”…
Hoặc như trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam (trụ sở tại Bình Dương) thường xuyên lên mạng xã hội phát ngôn, đưa thông tin không có căn cứ, có tính chất bôi nhọ cá nhân, tổ chức… Cuối tháng 3-2022, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hồ Chí Minh) đã khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” và khởi tố bị can, tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi trên…
Một vụ việc gây sốc với cộng đồng khi một nam sinh ở Hà Nội tự tử vào rạng sáng 1-4. Buổi tối cùng ngày, video được cho là diễn biến vụ việc cùng bức thư tuyệt mệnh được cho là của em học sinh xấu số đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Vấn đề ở chỗ, người dùng mạng xã hội quên rằng việc tham gia bình luận chủ quan, chia sẻ thông tin, hình ảnh, video vụ việc không chỉ làm tăng thêm nỗi đau cho gia đình nạn nhân mà còn vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Ngay sau đó, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên tiếng và tiến hành các biện pháp xử lý. Trao đổi với báo chí thời điểm đó, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã gửi yêu cầu cho các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ ngay video trên bởi đây là quyền riêng tư của gia đình nạn nhân và việc đăng tải vi phạm về bảo vệ quyền trẻ em. Đồng thời, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu các trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước không chia sẻ những hình ảnh đau lòng này.
Xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, việc thao túng thông tin, xuyên tạc thông tin của một số cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội tạo ra các xu thế sai lệch trên không gian mạng, gây tâm lý hoang mang. Và việc xử lý hình sự những đối tượng trên là đúng và cần thiết, nhằm giúp cho thông tin trên không gian mạng trở về đúng với thực tế (lúc cao điểm, thông tin tiêu cực về thị trường vốn là trên 35%, nay là dưới 10%, một phần do các thông tin xuyên tạc đã giảm đáng kể). Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện công cụ giám sát và đo lường thông tin trên báo chí cũng như không gian mạng để từ đó giúp việc điều tiết phù hợp với thực tế…
Về các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm nội dung xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội, đồng thời chủ động xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ và yêu cầu gỡ bỏ đối với các nền tảng xuyên biên giới.
Riêng trong năm 2021, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn gần 4.000 nội dung xấu độc; xử phạt vi phạm hành chính 210 đối tượng với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Bộ đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, thông tin giả mạo, xấu độc; đồng thời, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là mỗi người dùng mạng xã hội phải luôn có ý thức kiểm chứng thông tin, cẩn trọng, nâng cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân hoặc tiếp tay phát tán thông tin xấu độc. Muốn vậy, các cấp, ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, giúp người sử dụng nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử, nhận biết thông tin giả mạo, sai sự thật, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.