Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường cơ chế, chính sách phòng, chống cháy rừng

Tiến Lâm| 13/06/2022 07:34

(HNM) - Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã phối hợp với các huyện, thị xã có rừng triển khai nhiều biện pháp bảo vệ, phòng, chống cháy rừng nhằm giảm số vụ và mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, các địa phương có rừng cần tăng cường cơ chế, chính sách và áp dụng khoa học kỹ thuật hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong thi hành nhiệm vụ.

Diễn tập chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Quốc Oai. Ảnh: Hoàng Sơn

Thành phố Hà Nội có gần 27.160ha rừng và đất lâm nghiệp. Rừng ở Hà Nội được phân bố tại 7 địa phương là: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất. Rừng ở Hà Nội có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và tạo cảnh quan thiên nhiên cho Thủ đô.

Tuy nhiên, rừng ở Hà Nội chủ yếu là rừng trồng, với các loại cây như: Thông, keo, bạch đàn và có thảm thực bì dày nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Điển hình, trong năm 2021, toàn thành phố để xảy ra 18 vụ cháy rừng, trong đó có: 8 vụ ở Sóc Sơn, 4 vụ ở Ba Vì, 2 vụ ở Sơn Tây và 4 vụ ở Thạch Thất, ảnh hưởng đến 14,58ha rừng. Còn từ đầu năm 2022 đến nay, xảy ra 4 vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn…

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, hiện công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng, hanh khô kéo dài dễ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, khách du lịch, người dân ra - vào rừng hằng ngày khá đông nhưng ý thức bảo vệ, phòng, chống cháy rừng rất kém dẫn đến bất cẩn trong việc sử dụng lửa, tùy tiện vứt mẩu thuốc lá trong rừng gây cháy…

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Nguyễn Văn Chuẩn, để giải quyết tận “gốc rễ” những khó khăn, bất cập này trong phòng, chống cháy rừng, các địa phương có rừng trên địa bàn thành phố cần quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Đáng nói, trong những năm qua, biện pháp này đã được Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các địa phương triển khai thường xuyên, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, do đó cần được quan tâm tăng cường hơn nữa, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng, khô hanh.

“Chúng ta phải xác định tuyên truyền theo hướng “mưa dầm thấm lâu” để ý thức về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng đối với người dân được nâng lên. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền về vai trò của công tác bảo vệ rừng đối với cuộc sống, môi trường sống của người dân, làm sao để người dân hiểu được giá trị của rừng để tự giác bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Văn Chuẩn nhấn mạnh.

Nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên đề xuất: Các huyện, thị xã có rừng cần tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững, trong đó chú trọng đến chính sách nâng cao đời sống người dân làm nghề rừng, người dân sinh sống trong khu vực gần rừng. Khi đó, người dân sẽ gắn bó với rừng, chủ động tham gia bảo vệ rừng.

Mặt khác, trong những ngày nắng nóng, khô hanh, dự báo cháy rừng ở cấp 4 (cấp nguy hiểm) và cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), chính quyền địa phương cần phối hợp với lực lượng kiểm lâm hướng dẫn chủ rừng thực hiện xử lý thực bì nhằm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; đồng thời làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đang thí điểm lắp đặt hệ thống camera 360 độ tại 6 khu vực có nguy cơ cháy rừng cao ở Sóc Sơn nhằm hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong công tác phòng, chống cháy rừng. Chi cục còn đề nghị Sở NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội trang bị thêm phương tiện chuyên dùng cho lực lượng kiểm lâm để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng theo tiêu chuẩn định mức; đồng thời, đề xuất thành phố tăng nguồn kinh phí hỗ trợ lực lượng trực chòi canh lửa rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng và tăng thù lao cho lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có những biện pháp mạnh, xử lý nghiêm minh những đối tượng sử dụng lửa gây cháy rừng để răn đe.

Có thể khẳng định, chỉ khi nào các địa phương và lực lượng kiểm lâm triển khai nhiều biện pháp, khi đó mới hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng cũng như vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường cơ chế, chính sách phòng, chống cháy rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.