Trao đổi về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (HNM) - Chiều 14-1, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) và các cuộc họp cấp bộ trưởng liên quan gồm Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng Chính trị - An ninh (APSC), Hội nghị đặc biệt Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì đã kết thúc tốt đẹp sau hơn một ngày làm việc. Đây là những hội nghị quan trọng đầu tiên Việt Nam chủ trì trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010.
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng Thư ký ASEAN bắt tay đoàn kết tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị).
Tại cuộc họp lần thứ 3 APSC, các bộ trưởng đã trao đổi về những tiến triển gần đây trên các kênh hợp tác trong trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN và trong triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng APSC. Các bộ trưởng ghi nhận những kết quả tích cực đạt được và nhất trí tiếp tục nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh việc thực hiện 14 ưu tiên xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh, giao các quan chức sớm hoàn tất Nghị định thư thứ 3 sửa đổi Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) để tạo cơ sở pháp lý cho Liên minh châu Âu (EU) tham gia. Các bộ trưởng nhất trí tiếp tục tham vấn về các vấn đề liên quan đến hiệp ước về Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ); trao đổi về triển khai Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và thông qua Kế hoạch truyền thông APSC nhằm quảng bá về Cộng đồng APSC tới người dân và các giới trong ASEAN.
Tại cuộc họp của ACC, các bộ trưởng xem xét và thông qua Quy chế hoạt động của Nhóm đặc trách cao cấp về kết nối ASEAN. Theo đó, các nước ASEAN sẽ cử các quan chức cao cấp có kiến thức và có tầm chiến lược về kết nối ASEAN tham gia nhóm. Nhóm sẽ làm việc tập trung để xây dựng Kế hoạch kết nối ASEAN trình lên các lãnh đạo ASEAN để thông qua dịp Cấp cao ASEAN lần thứ 17 sẽ diễn ra tại Hà Nội thời gian tới. Các bộ trưởng xem xét khuyến nghị của Ủy ban Các đại diện thường trực ASEAN và nhất trí ASEAN cần xây dựng một chiến lược quảng bá tổng thể, theo đó các kế hoạch của 3 cộng đồng chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội cần phải bổ sung cho nhau.
Tại Hội nghị AMM Retreat, các bộ trưởng đã trao đổi về phương hướng hợp tác của ASEAN trong năm 2010, trên 2 cụm vấn đề các nỗ lực xây dựng cộng đồng, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực kết nối ASEAN, giao cho Nhóm đặc trách về kết nối ASEAN xây dựng Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN để các lãnh đạo thông qua dịp Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội trong năm nay. Các bộ trưởng cũng trao đổi về cách thức giữ vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực và các biện pháp tăng cường quan hệ của ASEAN với các đối tác, trong đó có việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh ASEAN với các đối tác như Nga, Mỹ, Niu Dilân. Các bộ trưởng nhất trí xem xét đề nghị gia nhập ASEAN của Đông Timo và không xem xét trường hợp của Papua Niu Ghinê vì nước này không thuộc khu vực Đông Nam Á.
Các bộ trưởng đã đồng ý để các quốc gia không phải là thành viên ASEAN bổ nhiệm đại sứ bên cạnh ASEAN, đó là các nước: Đức, Thụy Sĩ, Xlôvakia, Hunggari, Marốc và Pakixtan. Về tình hình Mianma, các bộ trưởng nhất trí tiếp cận vấn đề mang tính xây dựng, giữ nguyên tắc không can thiệp nội bộ; chia sẻ quan điểm Chính phủ Mianma cần thực hiện lộ trình 7 điểm, tổ chức thành công tổng tuyển cử và ASEAN tiếp tục hỗ trợ Mianma trong tiến trình hòa giải, dân chủ hóa và hội nhập khu vực. Về biến đổi khí hậu, các bộ trưởng chia sẻ quan điểm cần tiếp tục tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác để tranh thủ hỗ trợ.
* Chiều 14-1, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã thân mật tiếp các Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng Thư ký ASEAN nhân dịp các Hội nghị AMM Retreat và các cuộc họp cấp Bộ trưởng liên quan kết thúc thành công tốt đẹp.
Đình Hiệp (truyền từ Đà Nẵng)
Tổng Thư ký ASEAN-Tiến sĩ Xurin Pítxuvăn: ASEAN phải khẳng định được vai trò ở Đông á Trả lời phỏng vấn báo chí trong ngày kết thúc hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN - Tiến sĩ Xurin Pítxuvăn cho rằng, một chủ đề chính của các hội nghị lần này là xác định rõ vai trò của ASEAN ở khu vực và Đông Á. Trong bối cảnh Đông Á trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng, vị trí của ASEAN ngày càng được khẳng định. ASEAN được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Trung Quốc- ASEAN. Điều này có cơ sở bởi Trung Quốc vừa vượt Đức, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Vì thế 10 thành viên ASEAN cần phải kết nối với nhau để khi Trung Quốc phát triển, ASEAN cũng sẽ phát triển. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Kasít Pirôm: Việt Nam sẽ đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN Tôi tin rằng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công chức Chủ tịch ASEAN vì các bạn đã chuẩn bị trong một năm qua. Chúng ta cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống đường giao thông, kết nối các tuyến đường sắt, cải thiện sân bay và cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới; cải cách thủ tục hải quan để người dân và hàng hóa có thể dễ dàng xâm nhập vào các nước trong ASEAN. Chúng tôi hy vọng dưới sự lãnh đạo của Việt Nam trong năm 2010, 600 triệu người dân ASEAN sẽ hiểu nhau hơn và tham gia tích cực vào hợp tác của ASEAN cũng như xây dựng cộng đồng của ASEAN. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.