Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường bảo vệ người có nguy cơ diễn tiến nặng khi nhiễm Covid-19

Thu Hoài| 04/12/2021 11:15

(HNMO) - Ngày 4-12, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đã ban hành Hướng dẫn tạm thời phương án kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học và khởi động chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao được an toàn trước dịch Covid-19.

Kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi vào trường.

Hướng dẫn xử lý F0 trong trường học

Khi học sinh trở lại trường học từ ngày 13-12, thành phố Hồ Chí Minh triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, hạn chế tối đa gián đoạn hoạt động dạy - học. Khi phát hiện người nghi mắc Covid-19, chuyển người nghi ngờ mắc đến phòng cách ly tạm thời, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SpO2 dưới 96%, cần chuyển F0 đến cơ sở y tế điều trị Covid-19 gần nhất bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, nhà trường hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương quản lý.

Cùng với việc xử lý F0, nhà trường tạm ngưng tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người). Các lớp học khác hoạt động bình thường.

F1 đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ liều hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được đi học và làm việc bình thường; xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đến khi không còn phát hiện bệnh.

 Nếu trong lớp có ca F0, các F1 sẽ được xét nghiệm nhanh, mẫu gộp 3.

Nếu F1 chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền cần cách ly tại nhà; xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng. Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà.

Nếu phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau, với 2 lớp ở cùng tầng: Xét nghiệm mọi người cùng tầng. Nếu 2 lớp ở khác tầng, cùng khối nhà: Xét nghiệm mọi người cùng khối nhà. Nếu 2 lớp ở khác khối nhà, xét thấy có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm toàn trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.

Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu giáo viên, người chăm sóc trực tiếp dương tính với SARS-CoV-2 thì cho toàn bộ học sinh trong lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.

Các lớp bố trí giãn cách, đảm bảo thông thoáng.

20 bệnh nền nguy hiểm khi nhiễm Covid-19

Thực tế phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy, số ca tử vong tập trung chủ yếu ở nhóm nguy cơ: Người có bệnh nền, người trên 50 tuổi... Để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ, thành phố triển khai chiến dịch giảm thiểu nguy cơ tử vong cho những người này từ nay đến hết ngày 31-12-2021.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã rà soát, lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ, triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho từng thành viên hộ gia đình của những người này. Nếu phát hiện F0, khuyến khích đi cách ly tập trung. Nếu F0 không có bệnh nền nguy hiểm, đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà thì cấp thuốc kháng vi rút cho bệnh nhân sử dụng.

Những người cùng nhà F0 chưa tiêm, cần được tiêm đủ. Người đã tiêm mũi 2 quá 6 tháng được tiêm nhắc lại mũi 3. Danh sách F0 tại nhà được chuyển đến mạng lưới thầy thuốc đồng hành địa phương để được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa.

 Các trường học tại thành phố Hồ Chí Minh đang khử khuẩn lớp học, sẵn sàng đón học sinh.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo 20 trường hợp mắc bệnh nền khi nhiễm SARS-CoV-2 dễ có nguy cơ cao chuyển nặng và tử vong. Cụ thể: Đái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); bệnh thận mạn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

Người mắc bệnh béo phì, thừa cân; bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); bệnh lý mạch máu não; hội chứng Down; HIV/AIDS; bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ; bệnh hồng cầu hình liềm; bệnh hen suyễn; tăng huyết áp; thiếu hụt miễn dịch; bệnh gan; rối loạn sử dụng chất gây nghiện; sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các loại bệnh hệ thống… cũng cần chú ý đặc biệt nếu nhiễm Covid-19.

Ngoài ra, trẻ em mắc bệnh nền theo Quyết định số 5155/QĐ-BYT của Bộ Y tế về điều trị Covid-19 cũng có nguy cơ diễn tiến nặng khi nhiễm Covid-19, cần đặc biệt chú ý.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường bảo vệ người có nguy cơ diễn tiến nặng khi nhiễm Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.