(HNM) - Trong mọi giai đoạn cách mạng, bảo vệ chính trị nội bộ luôn là vấn đề hệ trọng, được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Đến khi Đảng trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, việc bảo vệ chính trị nội bộ luôn song hành với bảo vệ bí mật Nhà nước để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Có thể thấy, bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị, Điều lệ, nguyên tắc tổ chức của Đảng; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên; ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng, đường lối chính trị, phá hoại tổ chức Đảng từ trong nội bộ, mua chuộc, dụ dỗ, khống chế cán bộ, đảng viên… Trong khi đó, dưới góc độ quản lý có thể thấy, bảo vệ bí mật Nhà nước cũng làm cho công tác bảo vệ chính trị nội bộ được tốt hơn.
Tuy nhiên thời gian qua, công tác bảo vệ chính trị nội bộ bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó là nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới chưa đầy đủ, toàn diện. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị nhưng chậm được phát hiện, giáo dục, đến khi công khai quan điểm phức tạp thì cấp ủy mới biết. Một số trường hợp cá biệt có hành vi phát tán tài liệu phủ nhận đường lối đổi mới của Đảng, chống phá Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhưng việc đấu tranh, xử lý chưa kịp thời. Công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, nhất là việc lợi dụng mạng xã hội để tấn công vào tổ chức và cán bộ, đảng viên còn bị động…
Trong khi đó, trong bộ máy nhà nước, chỉ tính riêng năm 2021, qua kiểm tra 26 cơ quan, đơn vị, địa phương, Bộ Công an phát hiện 30 vụ lộ, mất bí mật Nhà nước với 202 đầu tài liệu, phát hiện nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Tình hình bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp khi hệ thống thông tin của các cơ quan Chính phủ, tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính của Nhà nước tiếp tục là mục tiêu tấn công hàng đầu của “tin tặc” và qua đó đã có nhiều vụ lộ, lọt thông tin. Việc lộ, mất bí mật Nhà nước chủ yếu là qua thư điện tử, cổng thông tin, trang thông tin điện tử của các tổ chức, mạng xã hội...
Điều đó đặt ra thách thức không nhỏ cho công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bí mật Nhà nước trong tình hình mới hiện nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là “làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...”. Đồng thời chỉ rõ việc cần thực hiện nghiêm chế độ, quy định, quy chế quản lý cán bộ, đảng viên trong nội bộ, giữ gìn kỷ luật phát ngôn, bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật nội bộ của Đảng, coi đây là khâu có ý nghĩa quyết định đối với việc tổ chức triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.
Từ thực tế nêu trên đòi hỏi trước hết là cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bí mật Nhà nước với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với phương châm “tích cực chủ động, phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính”. Trong đó chú trọng việc thường xuyên rà soát chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thường xuyên rà soát, kiểm tra tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành các quy định về chế độ bảo mật, quản lý chặt chẽ thông tin, tài liệu, giữ gìn bí mật của Đảng, Nhà nước. Không để lộ, lọt thông tin, tài liệu bí mật quốc gia và ngăn chặn các hoạt động thu thập thông tin bí mật Nhà nước…
Đặc biệt, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm và hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 20-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Quy định số 58-QĐ/TƯ ngày 8-2-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”. Trong đó, ngoài siết chặt công tác quản lý thì cũng cần định kỳ tổ chức thông tin thời sự về tình hình trong nước và quốc tế cho cán bộ, đảng viên; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần kịp thời triển khai và thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước; ban hành quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước để tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước để chủ động phát hiện và khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót trong công tác này. Chấp hành nghiêm túc việc tiếp nhận, thống kê, lưu giữ, bảo quản; việc vận chuyển, giao nhận; việc soạn thảo, in, sao, chụp văn bản tài liệu chứa bí mật Nhà nước, nhất là nghiêm cấm việc soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa thông tin, tài liệu chứa bí mật Nhà nước trên các thiết bị có kết nối mạng internet...
Thực tiễn đặt ra cho công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao. Điều đó cũng đòi hỏi vai trò của cán bộ, đảng viên cần giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, tham gia tích cực việc bảo vệ bí mật Nhà nước nói chung và bí mật của cơ quan, đơn vị nói riêng nhằm làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.