Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng chất lượng, giảm khoảng cách

Thống Nhất| 10/08/2012 05:39

(HNM) - Lần thứ 4 liên tiếp, ngành GD-ĐT Hà Nội được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc, đánh giá sự nỗ lực của toàn ngành trong việc duy trì, khẳng định vị trí đầu tàu của GD-ĐT Thủ đô.


- Quy mô GD-ĐT lớn nhất cả nước song Hà Nội những năm qua luôn giữ vững vị thế dẫn đầu. Những kết quả tiêu biểu nào làm nên dấu ấn của Hà Nội trong năm học 2011-2012, thưa ông?

- Một trong những kết quả tiêu biểu được dư luận xã hội đặc biệt chú ý trong những ngày vừa qua là kết quả thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm 2012. Theo thống kê, có 59 HS Hà Nội đỗ thủ khoa ĐH, dẫn đầu cả nước khi có nhiều HS nằm trong top 100 HS có điểm thi ĐH, CĐ cao nhất. Năm học qua, HS Hà Nội tiếp tục giành thứ hạng cao trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia và quốc tế với sự tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Với 125 giải quốc gia, trong đó có 10 giải nhất (tăng 6 giải nhất so với năm học trước), Hà Nội đứng đầu danh sách địa phương có nhiều học sinh giỏi quốc gia. Tại các kỳ thi quốc tế, có 9 HS Hà Nội đoạt giải. Đáng chú ý, kết quả tại kỳ thi Olympic khoa học trẻ; Hội thi khoa học và kỹ thuật được đánh giá có ý nghĩa xã hội và là thành tích cao nhất từ trước đến nay của Hà Nội. Đây cũng là năm học đáng ghi nhớ về những chuyển biến ổn định và có chiều hướng tiến bộ của chất lượng giáo dục đại trà.


Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Thu Giang

- Minh chứng cụ thể nào thể hiện rằng kết quả giáo dục đại trà năm học qua ổn định, có chiều hướng tiến bộ như ông vừa khẳng định?

- Kết quả tốt nghiệp THPT là một điển hình. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2012 nhỉnh hơn đôi chút và có sự phân hóa khá rõ. Tỷ lệ đỗ khá, giỏi đạt 24,16%, cao hơn năm ngoái 5%. Đáng chú ý, trong số 7 gương mặt đỗ cao nhất, bên cạnh những HS đến từ các trường vốn có truyền thống dạy - học, còn có sự góp mặt của HS đến từ những huyện khó khăn. Trong kỳ thi ĐH vừa qua, HS Hà Nội còn tự hào vì có hai gương mặt đỗ thủ khoa Trường ĐH Y, ĐH Dược đến từ huyện Phú Xuyên và Ba Vì. Đây là những minh chứng cụ thể nhất về những chuyển biến đồng bộ về chất lượng GD-ĐT, giảm dần sự khác biệt ở các địa bàn. Về giáo dục đạo đức, năm học 2011-2012 là năm đầu tiên Hà Nội dạy đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS" ở các cấp học. Kết quả đánh giá cuối năm cho thấy những chuyển biến đáng mừng không chỉ về nền nếp, đạo đức của HS, mà còn cả sự hoàn thiện về phẩm chất, chuyên môn của thầy giáo, cô giáo.

- Để có "sản phẩm" tốt thì những điều kiện làm ra nó phải tốt - đó là quan điểm thường được nhắc đến trong công tác đầu tư cho các yếu tố bảo đảm chất lượng giáo dục của ngành. Những điều kiện ấy tác động thế nào tới diện mạo các nhà trường, thưa ông?

- Vài năm gần đây, Hà Nội luôn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường theo hướng đồng bộ và đạt chuẩn, tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho dạy và học. Với sự tập trung đầu tư, Hà Nội đã có 656 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 28% và đang phấn đấu có thêm 100 trường đạt chuẩn trong năm nay. Mục tiêu đến năm 2015, toàn TP sẽ có khoảng 50%-55% số trường đạt chuẩn. Diện mạo các trường khu vực khó khăn cũng có nhiều thay đổi bởi được bổ sung, thay thế gần 5.000 phòng học mới, 36 trường học mới. Mức kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường trong năm nay là 2.253 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm trước, hỗ trợ tích cực cho dạy - học.

- Đây chính là kết quả của công tác tham mưu, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Sở GD-ĐT, thưa ông ?

- Với chức năng là cơ quan tham mưu, trong năm qua, ngành GD-ĐT cùng các đơn vị liên quan đã xây dựng và trình UBND thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT, đưa công tác quản lý ngành vào nền nếp, tạo sự thống nhất trong điều hành, chỉ đạo. Việc phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho cơ sở đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác tuyển dụng. Nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo viên được triển khai, góp phần động viên, khích lệ tinh thần phấn đấu, cống hiến trong toàn đội ngũ. Sau 4 năm hợp nhất, việc điều chỉnh, nhất thể hóa mức thu, sử dụng học phí và một số khoản thu khác đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đã được HĐND thành phố thông qua. Hà Nội cũng đã hoàn thành hai bản quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT và quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tạo điều kiện về pháp lý, cơ chế, đất đai, tài chính để tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường, tạo tiền đề vững chắc cho việc phát triển quy mô, nâng cao chất lượng GD-ĐT Thủ đô trong những năm tới.

- Xin cảm ơn ông!

- Hà Nội hiện có 2.434 trường học, hơn 1,5 triệu HS và 110 nghìn cán bộ, giáo viên.
- 100% giáo viên các cấp học có trình độ đào tạo đạt chuẩn.
- Giữ vị trí số 3 trong số 10 địa phương dẫn đầu toàn quốc với số điểm thi ĐH trung bình của HS là 12,8.
- Tổng ngân sách TP chi cho GD-ĐT năm 2011: 9.877 tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng chi ngân sách địa phương.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng chất lượng, giảm khoảng cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.