(HNM) - LTS: Sắp tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc tọa đàm về nhà văn Lê Minh, người
Tôi được biết nhà văn Lê Minh từ những năm 1971, 1972. Chị Lê Minh khi ấy phụ trách biên tập trong Tạp chí "Tác phẩm mới" của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong ký ức của tôi, chị Lê Minh luôn là người chị lớn, không hẳn vì chị là con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan, một nhà văn lớn của đất nước, mà hơn thế, là hình ảnh đại diện của một thế hệ phụ nữ Việt Nam thanh lịch, trí tuệ, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến tuổi trẻ cho cách mạng.
Là một trong những tác giả nữ viết cho thiếu nhi từ rất sớm, cùng thế hệ với các chị Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Bích Thuận… nhưng văn Lê Minh có những nét rất riêng. Nếu như trong các tác phẩm viết cho người lớn, chị mạnh dạn đi vào những tình huống gai góc thì với thiếu nhi, trang văn của chị lại dịu dàng đằm thắm, thơ mộng. Đó là "Ô cửa sổ", "Con sóng lan xa", "Lẵng hạt ngọc", "Con mèo rét", "Hạt chò chỉ"… Văn chị có giọng kể thủ thỉ, dẫn dắt tâm hồn trẻ theo dòng cảm xúc để rồi hiện ra phần thiện át đi phần ác và tiếng cười trong trẻo được cất lên. Trong đó "Con sóng lan xa" là một trong những truyện ngắn đặc sắc, sau này được nhà văn Trần Hoài Dương tuyển chọn vào "Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam cho thiếu nhi" (NXB Trẻ - 2009).
Là một tác giả sung sức trong lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ vào giai đoạn gay go gian khổ nhất, nhà văn Lê Minh dường như không bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng viết theo bề nổi "ùng… oàng". Chị viết với cái nhìn của trẻ thơ trong cuộc chiến. Tác phẩm "Con mèo rét" (sau được đưa vào "Tủ sách vàng cho nhi đồng" của NXB Kim Đồng) là câu chuyện sinh động về số phận một con mèo trong những ngày không quân Mỹ đánh phá ác liệt Thủ đô Hà Nội. Từ những tình tiết thơ ngây, đáng yêu tự nhiên cộng với những tật xấu cố hữu của loài, nhân vật mèo của Lê Minh đã bừng thức dậy giữa thử thách của bom đạn, lanh lợi hơn, can trường hơn… Một điều thú vị nữa: Lê Minh là nhà văn hướng các nhân vật thiếu nhi của mình vừa học tập vừa vui chơi và mơ ước vươn tới khoa học kỹ thuật. Truyện vừa "Hạt chò chỉ" của chị là một thể nghiệm về đam mê và trải nghiệm của thiếu nhi với thiên nhiên, khoa học…
Nhưng có lẽ cống hiến đáng kể nhất cho mảng sách thiếu nhi của nhà văn Lê Minh chính là tác phẩm viết về người chiến sĩ cách mạng, trong đó tác phẩm "Khúc hát vườn trầu" viết về người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai là một ví dụ tiêu biểu. Cái khó của việc viết về danh nhân, lãnh tụ, những bậc anh hùng chí sĩ là ở chỗ tâm hồn và nhân cách của người viết có đủ tạo nền vươn tới tầm nhân cách của nhân vật hay không. Nếu không phải là con em của một gia đình mà anh chị em, chú bác ruột thịt đều là những chiến sĩ cách mạng thì thật khó mà có thể hiểu được cặn kẽ những cung bậc tình cảm của cuộc đời người chiến sĩ cách mạng giai đoạn 1930-1945. Nhà văn Lê Minh có được cái căn cốt đó để viết về những chiến sĩ cách mạng, những nhà yêu nước, những lãnh tụ lớn.
Cũng như nhà văn Trần Hoài Dương, nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Võ Quảng… nhà văn Lê Minh luôn đau đáu nỗi niềm dành cho văn học thiếu nhi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.