(HNMO) – Một nội dung nổi bật trong phiên làm việc ngày 3/6 tại kỳ họp thứ 7 là Quốc hội thảo luận về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với quan điểm chỉ đạo việc soạn thảo dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; làm rõ hệ thống, cơ cấu, tổ chức của các Tòa án nhân dân nước và cơ cấu, tổ chức bộ máy trong từng Tòa án nhân dân cũng như cơ chế quản lý Tòa án nhân dân về tổ chức để bảo đảm tính độc lập của hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Đáng chú ý, về việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 (Điều 32) của dự thảo Luật.
Theo các đại biểu, việc thành lập TAND theo đơn vị hành chính lãnh thổ đang tạo ra những trở ngại, khó khăn, thách thức lớn trong đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, năng lực và chất lượng công tác của các tòa án cấp huyện. Việc chuyển sang thành lập tòa nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, tăng tính độc lập cho Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trong xét xử, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tránh dàn trải, bình quân, lãng phí…
Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, nhiều đại biểu nhất trí với phương án nêu trong dự thảo Luật quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán khác là 10 năm, không phân biệt lần đầu hay lần tái nhiệm tiếp theo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên quy định nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán là 5 năm, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tái bổ nhiệm thì các nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm, như vậy phù hợp với đặc điểm của Việt Nam, đồng thời bảo đảm sự thận trọng trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, tạo động lực phấn đấu rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của Thẩm phán trong thực thi nhiệm vụ, nhất là nhiệm kỳ đầu.
Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm góp ý về ngạch Thẩm phán; nhiệm vụ phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao; việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân; tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán…
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về Luật Tổ chức Quốc hội. Các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung trong dự thảo. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Có ý kiến đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm số lượng đại biểu chuyên trách trung ương và địa phương sao cho phù hợp với tính đến các yếu tố các tầng lớp,giai tầng xã hội; thời gian hoạt động đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội không chuyên trách; bổ sung quyền, nghĩa vụ cụ thể của các đại biểu không chuyên trách trước, trong và sau kỳ họp; quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội theo hướng rộng rãi, linh hoạt hơn…
Đặc biệt, về hoạt động xây dựng pháp luật, có ý kiến đề nghị dự án Luật cần quy định dứt điểm trong quá trình cho ý kiến luật lần đầu, Quốc hội cần biểu quyết ngay một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tránh việc góp ý nhiều lần cùng một vấn đề, tiết kiệm thời gian của Quốc hội. Quy định mới về chức danh Tổng thư ký Quốc hội cũng nhận được sự tán thành của các đại biểu Quốc hội nhằm tạo hướng chuyên nghiệp hơn cho hoạt động của Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.