Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tán thành việc chỉ quy định đấu giá khai thác khoáng sản

Hồng Vân - Thành Tâm| 28/10/2010 07:33

(HNM) - Quy định về đấu giá khoáng sản và quyền lợi của địa phương nơi khai thác khoáng sản là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận ở hội trường chiều 27-10 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).


>>Toàn cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII

Bỏ quy định về đấu giá thăm dò khoáng sản

Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) tán thành việc chỉ quy định về đấu giá khai thác khoáng sản, bỏ quy định về đấu giá thăm dò khoáng sản nhưng ông cho rằng, để có thể đấu giá được, luật cần có quy định về định giá tài nguyên khoáng sản. Đồng quan điểm, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) cho rằng: "Chúng ta đấu giá mà không có định giá thì không được. Luật phải quy định những nguyên tắc tối thiểu để dựa trên cơ sở đó Chính phủ quy định cụ thể".

Về việc xác định hình thức quản lý, khai thác tài nguyên cho hiệu quả, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, luật cần xác lập và duy trì quyền sở hữu toàn dân đối với tài nguyên khoáng sản. "Nếu như vậy thì quyền điều tra, thăm dò là do Nhà nước, sau đó Nhà nước lập quy hoạch khai thác về không gian và thời gian và có biện pháp quản lý phù hợp. Nếu là tài sản quốc gia thì Nhà nước cũng chủ động trong bán và đấu thầu khoáng sản" - đại biểu Xuân nói.

Góp ý cho việc đấu giá khai thác khoáng sản đạt hiệu quả, đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) đề nghị luật quy định rõ, sau khi đấu giá, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nếu không đủ khả năng khai thác thì phải bàn giao lại dự án, không được chuyển nhượng và phải bồi thường toàn bộ chi phí đấu giá để tổ chức đấu giá lại vì "Nếu chúng ta cho phép chuyển nhượng thì lại phát sinh tiêu cực".

Cụ thể hơn quyền lợi của địa phương


"Thực trạng thời gian vừa qua, ở những nơi tiến hành khai thác khoáng sản, đời sống nhân dân rất khó khăn. Do đó, luật cần quy định rõ hơn tỷ lệ phân chia nguồn lợi từ khai thác khoáng sản để bảo đảm quyền lợi của nhân dân địa phương, đồng thời quy định rõ cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu này", đó là đề nghị của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái). Theo đại biểu Tuyết, nếu dự luật chỉ nói chung chung là thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước thì sẽ rất khó thực hiện.

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho rằng, hoạt động khai thác khoáng sản luôn đi kèm ô nhiễm môi trường, hậu quả có thể phải trả giá rất đắt trong tương lai nên việc bảo đảm môi trường cho địa phương nơi khai thác khoáng sản phải được coi trọng. "Dự luật nên tách thành một mục hoặc chương riêng quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên khi tham gia khai thác khoáng sản, quy định về ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường…" - đại biểu Lan đề nghị.

Đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu), đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đều cho rằng, việc điều tiết quyền lợi từ khai thác khoáng sản phải có quy định rõ ràng, điều tiết khoản thu từ khoáng sản là điều tiết khoản thu nào và điều tiết vào đâu, theo quy cách nào… Nên chăng chúng ta mạnh dạn điều tiết cho địa phương ít nhất là 50% nguồn thu từ các khoản khai thác. Còn theo đại biểu Khánh, việc quy định rõ chính sách với địa phương và người dân trong khai thác khoáng sản sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch của pháp luật và chủ trương sở hữu khoáng sản toàn dân, đồng thời tránh tình trạng địa phương chỉ biết trông chờ vào lòng "từ thiện" của doanh nghiệp.

Dự kiến, dự án luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 17-11 tới.

Luật Phòng chống mua bán người hạn chế về tính khả thi

Sáng 27-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống mua bán người. Đa số các đại biểu đồng tình với nhận định, những năm gần đây, buôn bán người đã trở thành một vấn nạn gây bức xúc trong toàn xã hội không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Tình hình tội phạm buôn bán người diễn ra tương đối phổ biến, có chiều hướng gia tăng cùng với những tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp.

Qua thảo luận, các đại biểu bày tỏ nhiều ý kiến lo lắng về tính khả thi của luật. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đánh giá, do nội dung của luật đã có rải rác tại nhiều luật khác nên việc xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật này khó. Bên cạnh đó thì hạn chế lớn nhất của dự án luật chính là tính khả thi, có nhiều quy định không thể thực hiện được trong thực tế. Chẳng hạn, những quy định trong dự án luật về công tác bảo vệ nạn nhân và người thân hầu như không thể thực hiện và thực tế còn là thách thức ngay cả với những quốc gia có điều kiện vật chất, pháp lý hoàn thiện hơn.

Đại biểu đề nghị cần nêu rõ các khái niệm liên quan, bổ sung cho bao quát hết các vấn đề đã nảy sinh trong thực tiễn để dễ vận dụng. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh), Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) yêu cầu giải thích rõ một số khái niệm, làm rõ nghĩa của một số nội hàm trong khái niệm về hành vi phạm tội được nêu trong luật. Các đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) còn đề nghị luật nên mở rộng phạm vi đối tượng bao gồm cả việc mua bán các bộ phận cơ thể người.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Gia đình và nhà trường phải có trách nhiệm trong ngăn ngừa bạo lực học đường

Thực ra cũng phải đánh giá cho đầy đủ về nguyên nhân tại sao gần đây rộ lên các vụ bạo lực trong học đường mà trong đó đối tượng chính lại là nữ sinh. Một đất nước như chúng ta, truyền thống Á Đông, thì phụ nữ thường là người dịu dàng ít bạo lực, nhưng bây giờ nữ sinh đánh nhau thì tôi nghĩ xã hội cũng thấy rất nhức nhối.

Các nhà trường, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý các vụ việc, nhưng tất cả những vấn đề chúng ta đang làm hiện nay là giải quyết ngọn. Tức là vụ việc xảy ra, rơi vào em nào thì ta xử lý đối với em đó, thậm chí chúng ta xử lý rất nặng để răn đe, nhưng chúng ta lại quên mất một điều rằng, các em vẫn còn ở tuổi học sinh, tuổi vị thành niên, nếu chỉ giải quyết với các vấn đề đang xảy ra thôi thì không thể ngăn chặn hay hạn chế được cơ bản các vấn đề đang diễn ra. Tôi cho rằng, gia đình, học đường vẫn là nguồn gốc rất quan trọng đối với các em. Tại gia đình, cha mẹ dù bận trăm công nghìn việc, dù cuộc sống bức bách đến đâu có lẽ cũng nên dành một phần thời gian cho con cái mình, cũng theo dõi và tâm sự, chia sẻ với các cháu để xem các cháu có những vấn đề gì và cha mẹ cũng góp phần giải tỏa cho các cháu. Hai là tại nhà trường, các thầy, cô giáo, các giáo viên cũng phải tăng cường tham gia cùng với các em và tạo nên cuộc sống lành mạnh hơn. Đối với các cháu tuổi vị thành niên, một tình cảm, một sự quan tâm thực sự, một sự chia sẻ, gần gũi thì có lẽ có hiệu quả tốt hơn. Những nội dung trong chương trình giáo dục của chúng ta là vấn đề lâu dài cần phải quan tâm.


Hồng Vân
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tán thành việc chỉ quy định đấu giá khai thác khoáng sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.