Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tán thành cao việc ban hành định mức chế độ

H.Vân| 04/11/2013 11:07

(HNMO) - Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).


Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Theo đó, nội dung của Luật (sửa đổi) tập trung quy định về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân tuy có quy định nhưng chỉ mang tính nguyên tắc để điều chỉnh có trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng và giao cho Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương quy định chi tiết nhằm tạo ý thức, chuẩn mực, nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

Dự thảo luật cũng đã bổ sung những quy định cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; hành vi lãng phí và chế tài xử lý; cơ chế giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; nguyên tắc THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân...; đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi của Luật.

Đánh giá dự án luật sau tiếp thu, chỉnh lý, đa số các đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã quy định cụ thể hơn, giảm các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, dự luật vẫn còn những quy định chung chung, thiếu tính cụ thể. Các đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình, Triệu Là Phan – Hà Giang, lưu ý, dự luật còn một số điểm trùng lắp với các luật khác, ví dụ như hành vi quyết toán khống, không rõ số lượng là hành vi của bộ luật hình sự và phòng chống tham nhũng, chứ không nên coi là hành vi lãng phí, tránh sự thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp quy. Đồng thời, phạm vi điều chỉnh như quy định trong dự luật là quá rộng, thiếu tính khả thi.

Đặc biệt, nhiều đại biểu đề nghị, dự luật chỉ nên tập trung điều chỉnh việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài sản công, thời gian lao động ở các cơ quan, tổ chức Nhà nước, còn đối với lĩnh vực kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân thì chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc, không nên quy định cụ thể. Các đại biểu cũng tán thành cao với việc ban hành các định mức chế độ, tiêu chuẩn với các đối tượng được hưởng để làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.



Theo các đại biểu Đặng Thị Kim Chi – Phú Yên, Trần Hồng Thắm – Cần Thơ, Đàm Thị Mỹ Hương – Ninh Thuận, Siu Hương – Gia Lai, Nguyễn Thị Kim Bé- Kiên Giang, Trương Thị Yến Linh – Cà Mau, Trần Tiến Dũng, Trần Thị Quốc Khánh – Hà Nội, Tô Văn Tám – Kon Tum, Nguyễn Thị Thanh Hòa – Bắc Ninh, Võ Thị Dung – TP. Hồ Chí Minh, dự luật nên tập trung điều chỉnh những lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí, ảnh hưởng đến cộng đồng, bổ sung cơ chế giám sát từng đối tượng lãng phí, trong đó bổ sung kết quả xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp nhận thông tin, xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền, đặc biệt, phải có cơ chế xử lý những người đứng đầu không xử lý các hành vi lãng phí theo thẩm quyền; rà soát lại các định mức tiêu chuẩn, chế độ cho chặt chẽ; có quy định về sử dụng tài sản, tiền từ các nguồn khác do các tổ chức, cá nhân đóng góp...

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi nhấn mạnh, việc công khai các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để nhân dân giám sát sẽ góp phần hiệu quả nâng cao chất lượng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bởi qua rà soát các dự án, ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Nếu dự luật có quy định chặt về xử lý, giám sát chống lãng phí ngân sách thì có thể số tiền tiết kiệm được còn lớn hơn.

Đại biểu Chi cũng nêu một thực trạng cần được bổ sung điều chỉnh trong dự luật là việc xây dựng các dự án hạ tầng không đồng bộ, ngành nọ “dẫm đạp” lên ngành kia, vừa tốn ngân sách, vừa gây mất mĩ quan nhưng không có trọng tài xử lý.

“Tôi lấy ví dụ một việc mà chúng ta đã nói nhiều là việc làm hạ tầng cấp nước, điện, viễn thông…, ngành nọ vừa thi công, hoàn trả mặt đường xong thì ngành khác lại đào lên, như vậy là rất lãng phí”, đại biểu Chi nói.

Lưu ý về việc tiết kiệm trong sử dụng xe công, đại biểu Trương Thị Huệ - Thái Nguyên cho rằng, hiện chúng ta đang sử dụng quá nhiều xe công và hàng năm phải chi quá nhiều khoản cho xe công nên việc khoán định mức sử dụng xe công cho những người được hưởng chế độ là hợp lý, có như vậy mới tránh được hiện tượng “người nọ nhìn người kia” nhưng không ai thực hiện.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Bùi Thị An – Hà Nội đề nghị thêm, dự luật cũng cần có quy định thêm về chống lãng phí trong tổ chức bộ máy Nhà nước. Theo đại biểu An, nếu chúng ta triệt để tiết kiệm trong lĩnh vực này, tinh giản bộ máy thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực.

“Nếu chúng ta cứ phình thêm bộ máy là lại thêm lãnh đạo, mà thêm lãnh đạo là thêm ô tô công, nhà công vụ…”, đại biểu An nói.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và Dự án Luật hải quan (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tán thành cao việc ban hành định mức chế độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.