(HNM) - Ngay trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một số tổ chức kinh tế thế giới vừa công bố kết quả khảo sát đánh giá rất cao tiềm năng thị trường kinh tế nước ta.
Theo Cơ quan Thương mại và Đầu tư Anh quốc và Trung tâm Thông tin kinh tế (thuộc Tạp chí The Economist), các nhà đầu tư trên thế giới đã thống nhất xác định Việt Nam là một trong những thị trường mạnh và đây là năm thứ ba liên tiếp nước ta được các nhà đầu tư quốc tế chọn là điểm đến hàng đầu nằm ngoài nhóm các nước BRIC gồm Brazin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Thông tin trên được đưa ra sau cuộc khảo sát dựa trên ý kiến của 520 lãnh đạo doanh nghiệp thế giới ở tất cả các lĩnh vực và khẳng định giới đầu tư quốc tế tiếp tục cho rằng hai năm tới Việt Nam cùng Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục giữ vị trí hàng đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới.
Như vậy là, bên cạnh con số tăng trưởng kinh tế trên dưới 6,7% của chúng ta, những tiềm năng về khả năng hút vốn ngoại trên nhiều lĩnh vực hiện nay đã khiến các nhà đầu tư hàng đầu thế giới có cái nhìn rất tích cực về nền kinh tế Việt Nam. Công bằng mà xét, điều đó là đánh giá khách quan và tích cực trong tình hình kinh tế thế giới đang có những diễn biến khó lường hiện nay. Khi được xem là một quốc gia có chế độ chính trị rất ổn định, có thái độ cầu tiến và năng động trong nỗ lực hòa nhập mạnh mẽ vào xu thế hội nhập toàn cầu tất yếu hiện tại, Việt Nam đang chứng tỏ là một nền kinh tế không chỉ có tiềm năng mà còn có những điều kiện hoàn toàn thích hợp để bước vào giai đoạn cất cánh mới.
Chúng ta lạc quan có cơ sở. Những giải pháp khắc phục tình trạng lạm phát của Chính phủ thời gian qua đã tạo ra kết quả tích cực trên thực tế. Những chính sách kích thích kinh tế của chúng ta trong giai đoạn nền kinh tế thế giới giảm phát là tương đối phù hợp dù xét trên toàn cục, sự liên thông với kinh tế thế giới của nước ta còn có hạn. Song như đã thấy, "cơn bĩ cực" ấy đã qua và giờ đây, khi niềm tự hào dân tộc đang dẫn ta vào Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi, là lúc những sức mạnh tình cảm đó có thể khiến ta mạnh thêm lực vật chất để có thể ngày càng tin chắc rằng một thế hệ người Việt Nam trẻ trung đang tiếp bước thế hệ cha anh vững vàng đi tới. Lực lượng lao động trẻ trung hôm nay, với học lực cao hơn được Nhà nước đầu tư thích đáng, đầy triển vọng và khát vọng cho sự bứt phá kinh tế không thể ngoài tầm tay chúng ta. Tất nhiên mọi tiềm năng chỉ là tiềm năng khi nó không được phát huy đúng. Dân số không ít, số lượng lao động trẻ dồi dào, một thị trường tiêu dùng giờ đây không còn khiêm tốn, xã hội ổn định… là những giá trị làm nên sức hút không chỉ với các nhà đầu tư thế giới. Các nhà đầu tư trong nước cũng cần thấy rõ cơ hội này. Và chủ trương khuyến khích "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" cũng là một trong những giải pháp kích cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ cơ hội bứt phá trong giai đoạn cần các doanh nghiệp nội vươn lên kịp lúc. Đây chính là câu chuyện từ cái nhìn của thế giới về ta mà ta cần nhìn nhận đúng về mình. Không quá lạc quan nhưng không thể không nhận thấy thời cơ tranh thủ bạn bè mà vươn lên đúng lúc. Kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực cũng đã minh chứng điều này.
Dù còn đó chỗ này nơi kia, những diễn biến của các khu vực khác nhau của nền kinh tế chưa như ý, người ta vẫn thấy trước chúng ta là một triển vọng rất rõ ràng. Vấn đề là chúng ta tận dụng các nguồn lực đến đâu mà thôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.