(HNM) - Do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành Du lịch Hà Nội phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020 lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến với Thủ đô giảm lần lượt 64,4% và 68,8%; tổng thu từ du lịch giảm tới 61,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Để thoát khỏi sự suy giảm này, ngay sau khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, cuối tháng 4 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động du lịch. Có thể kể đến việc kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành trên địa bàn cùng cam kết giảm giá, có nhiều ưu đãi cho du khách; triển khai nhiều hoạt động quảng bá, tổ chức các sự kiện nhằm kích cầu du lịch nội địa...
Chưa dừng lại ở đó, để từng bước phục hồi, tiến tới phát triển du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ngày 3-6 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2171/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai các giải pháp phát triển du lịch nội địa trên địa bàn Hà Nội giai đoạn hiện nay.
Trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch gặp nhiều khó khăn, thách thức, thành phố vẫn đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020 đón khoảng 10-11 triệu lượt khách du lịch nội địa. Để đạt được mục tiêu này, ngành Du lịch Thủ đô và các đơn vị làm du lịch trên địa bàn thành phố cần nỗ lực triển khai tốt nội dung Công văn số 2171/UBND-KGVX.
Trong đó, ngành Du lịch Thủ đô cần chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành xây dựng các tour kích cầu du lịch, gồm các tour du lịch trong phạm vi Hà Nội; tour du lịch cho khách từ các tỉnh, thành phố đến Hà Nội và các vùng lân cận; tour du lịch liên kết đưa khách du lịch Hà Nội đi các tỉnh, thành phố với các thông tin chi tiết, cụ thể về hành trình, thời gian, giá tour kích cầu và các dịch vụ khác liên quan... để du khách tham khảo, lựa chọn. Ngoài việc làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh, ngành Du lịch cũng cần tập trung vào công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Bên cạnh đó các ngành, địa phương liên quan cũng cần chỉ đạo đơn vị quản lý các điểm tham quan, di tích, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực hưởng ứng và đăng ký tham gia các chương trình kích cầu du lịch. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để thông tin, quảng bá kịp thời các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức tại Hà Nội mang đậm bản sắc của mảnh đất nghìn năm văn hiến gắn với các điểm đến tới các doanh nghiệp du lịch, du khách…
Đối với các doanh nghiệp du lịch, bên cạnh sản phẩm an toàn cũng cần tạo ra yếu tố giá tốt, bổ sung những sản phẩm, dịch vụ mới để mở rộng với giá ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu của du khách. Đồng thời, các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng, củng cố đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm, tạo ấn tượng tốt với du khách. Qua đó nâng cao uy tín của chính các doanh nghiệp...
Hà Nội có những lợi thế riêng với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Hiện nay dịch Covid-19 ở Việt Nam và Thủ đô đã được kiểm soát tốt. Đây là cơ hội tốt để ngành Du lịch Thủ đô tận dụng cơ hội để phục hồi, bứt phá, phát triển du lịch nội địa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.