Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tận dụng các FTA thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch kinh tế

Hồng Sơn| 06/03/2022 06:16

(HNM) - Nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2022 với mục tiêu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, việc chủ động khai thác, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để gia tăng xuất khẩu được coi là một trong những động lực tăng trưởng. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) về vấn đề này.

Tiến sĩ Lê Huy Khôi.

Cú hích cho xuất khẩu và tạo động lực tăng trưởng

- Các FTA đã được chúng ta tận dụng hiệu quả để đẩy mạnh xuất khẩu. Vậy có thể hiểu FTA một cách ngắn gọn thế nào, thưa ông?

- Về bản chất, FTA là hiệp ước giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan theo lộ trình nhằm tiến tới thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Như vậy, tham gia FTA là điều kiện thuận lợi để khai thác các tiềm năng, năng lực trong nước phục vụ xuất khẩu hàng hóa.

- Xin ông cho biết kết quả của việc Việt Nam khi tham gia các FTA?

- Đó là một quá trình dài. Hiện, Việt Nam đã tham gia 15 FTA có hiệu lực, mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu và là cơ hội để Việt Nam kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA trong năm 2021 đều tăng trưởng khá, như: Trung Quốc tăng 15%, Liên minh châu Âu (EU) tăng 14%; Hàn Quốc tăng 15,8%, Ấn Độ tăng 21%, New Zealand tăng 42,5%...

Nhìn chung, các FTA như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đang được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả. Điển hình như với CPTPP, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mới là Canada và Mexico tăng lần lượt 19,5% và 46,1%.

- Ông có thể đánh giá những tác động của FTA đối với phát triển kinh tế Việt Nam?

- Có rất nhiều tác động và chủ yếu là tích cực, xét cả về thể chế và phát triển kinh tế. Cụ thể, các FTA góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế pháp lý, tạo môi trường đầy đủ, toàn diện, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên tục được rà soát sửa đổi, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Các FTA cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho xã hội; thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường, giữ gìn và cân bằng các nguồn tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Thông qua các FTA, Việt Nam có cơ hội cải thiện hơn nữa bộ máy quản lý nhà nước theo hướng cải cách, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của công chức. Từ đó hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, hội nhập.  

Riêng những tác động về kinh tế rất nổi bật, bởi FTA là hướng mở cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2021, xuất khẩu là điểm sáng, động lực tăng trưởng chính là nhờ xuất khẩu sang những thị trường đã ký FTA. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, với thặng dư 4 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nhờ tham gia FTA mà nhiều doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi, vươn lên, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, với tiêu chuẩn cao và ngày càng cạnh tranh hiệu quả. Vì vậy, có thể thấy rõ ý nghĩa to lớn, tổng hợp mà các FTA mang lại. Giả sử nếu không có các cơ hội mà FTA mang lại thì chắc chắn không thể có kết quả khả quan, sự đóng góp rất hiệu quả của xuất khẩu đối với nền kinh tế như đề cập ở trên.

Ngoài xuất khẩu, các FTA góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, từ đó thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có tiềm năng từ các nước trong khu vực và thế giới đầu tư vào Việt Nam. Kết quả đáng ghi nhận về thu hút đầu tư nước ngoài trong 2 năm gần đây đã thể hiện điều đó, tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Đáng lưu ý là đã xuất hiện xu hướng tăng tốc đầu tư vào Việt Nam thông qua dự án công nghệ cao, xây dựng “cứ điểm” sản xuất hiện đại của giới đầu tư quốc tế.

Chủ động vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội

- Ngay từ khi đàm phán, ký kết các FTA, chúng ta cũng đề cập đến cả những thách thức phải vượt qua khi FTA có hiệu lực. Vậy theo ông, những thách thức đó là gì?

- Các FTA mang lại nhiều cơ hội, lợi ích hơn là bất lợi. Tuy nhiên, vẫn có một số lưu ý, cảnh báo để các đơn vị, nhất là doanh nghiệp hiểu rõ càng sớm càng tốt, để đáp ứng và phòng tránh những hậu quả hay diễn biến không mong muốn. Đó là những quy định cụ thể cần tuân thủ, chủ yếu về xuất xứ, chất lượng, sở hữu trí tuệ, các yếu tố hay thông tin liên quan đến quá trình sản xuất hàng xuất khẩu, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm và cả việc sử dụng lao động… Ngay như yêu cầu về nhãn mác, bao bì, quy cách đóng gói và lịch giao hàng cũng là yêu cầu thường xuyên và mang tính bắt buộc của hầu hết nhà nhập khẩu.

Tiêu chuẩn, quy định liên quan đến hàng loạt vấn đề, nội dung, lĩnh vực cũng nhiều, chặt chẽ và phức tạp hơn, nên cũng là mối lo và điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp, nhà xuất khẩu trong nước. Trong đó, các FTA nhấn mạnh sự minh bạch và công bằng nhưng đồng thời cũng có nguy cơ xảy ra nhiều trường hợp khiếu kiện, tranh chấp thương mại hơn, bao gồm nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng như: Hàng thủy sản, dệt may, sắt thép, hàng gia dụng…

Cần hiểu rằng, giao thương với thị trường thành viên các FTA đòi hỏi sự tương xứng, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam phải tự cải thiện, nâng mình lên; bắt kịp cả về chất lượng sản phẩm cũng như thích nghi trước diễn biến tình huống. Điều đó đồng nghĩa doanh nghiệp buộc phải trưởng thành với tốc độ nhanh và bản lĩnh hơn nếu không muốn mất cơ hội tham gia vào những “sân chơi” quy mô toàn cầu, nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng.

- Ông có thể nêu một số giải pháp nhằm khai thác cơ hội từ các FTA, biến các FTA trở thành động lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2022?

- Theo tôi, khai thác hiệu quả các FTA luôn là mục tiêu lớn, nhằm gia tăng xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư quốc tế. Muốn làm được điều đó, trước hết cần xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các FTA trong giai đoạn hiện nay để hướng tới xuất, nhập khẩu mang tính cân bằng hơn, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế. Tiếp theo, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã đề ra.

Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương trong việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, các bộ, ngành, cần tích cực tham vấn với các hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để nắm bắt các khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp và hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó cần vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực...

Sau cùng là đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng như khả năng đáp ứng các FTA quan trọng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng các FTA thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.