(HNM) - 57 năm hình thành và phát triển của Hànộimới, công tác xã hội (CTXH) luôn là mảng được Ban Biên tập đặc biệt quan tâm. Tuy ra đời sau những ban
9 năm thành lập là 9 năm những phóng viên của Ban CTXH đã có mặt ở nhiều vùng, miền của dải đất hình chữ S để giúp người dân vượt qua những khó khăn; mang vốn đến giúp đồng bào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; giúp hàng trăm lượt sinh viên khuyết tật, gia cảnh khó khăn thêm nghị lực để tiếp bước các em vào đời...
Doanh nghiệp góp sức
Còn nhớ, 13 năm trước - trước cả khi ra đời Ban CTXH, lần đầu tiên nhìn thấy những học sinh, sinh viên khuyết tật đi nhận xe lăn tôi đã thật ngạc nhiên. Giữa Thủ đô, vào thời bình sao lại nhiều em khuyết tật thế? Đi sâu tìm hiểu, tôi được biết các em bị khuyết tật vận động do di chứng của bại liệt, hậu họa của tai nạn giao thông, của chất độc da cam; hầu hết đều đến từ các tỉnh có hoàn cảnh khó khăn và đều khao khát tiếp tục được đến trường để thay đổi cuộc sống. Cảm phục, trăn trở là những suy nghĩ cứ trở đi trở lại trong tôi. Thời điểm đó, nắm được suy nghĩ này, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Lê Khắc Hiệp đã quyết định cùng Hànộimới xây dựng chương trình học bổng dành cho sinh viên khuyết tật. Có thể nói, từ ngày đó cho tới tận bây giờ Hànộimới là đơn vị đầu tiên đã nghĩ và xây dựng một chương trình dành riêng cho sinh viên khuyết tật. Nhiều em giờ đã trưởng thành, có gia đình riêng. Nhiều em đang làm thạc sĩ ở nước ngoài. Hằng năm các em vẫn hội tụ để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không thể quên khi vào lúc khó khăn nhất đã được Hànộimới và Prudential dang tay giúp đỡ.
Hẳn nhiều người còn nhớ đận rét đậm, rét hại kéo dài năm 2008. Hàng nghìn trâu, bò của người dân vùng cao đã chết. Trước thảm cảnh đó, hưởng ứng chiến dịch "Lửa ấm về các miền quê" do Hànộimới phát động, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh đã ủng hộ 1.000 trâu, bò trị giá hơn 4 tỷ đồng. Cùng với Mai Linh, nhiều doanh nghiệp đã tham gia chiến dịch tạo nên đợt cứu trợ trải dài từ các tỉnh miền núi Tây Bắc xuống các tỉnh Bắc Trung bộ. Đây cũng là lần đầu tiên Hànộimới huy động nhân sự tổng lực, từ Ban Biên tập đến cán bộ, phóng viên toàn cơ quan tham gia chiến dịch. Mỗi đợt đi trao từ 3 đến 4 tỉnh. Đoàn này vừa về đoàn khác đã lên đường. Ròng rã gần một tháng trời mới đi hết các tỉnh cần cứu trợ. Khỏi phải nói từ địa phương đến người dân vui mừng xiết bao khi được nhận "đầu cơ nghiệp". Chiến dịch đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong xã hội.
Đã nhiều năm kể từ khi lập Ban CTXH, cứ vào dịp Tết Nguyên đán hoặc Trung thu, Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc lại tài trợ hàng trăm suất quà cho người nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Và những phóng viên của Hànộimới lại chuyển đến người nghèo, những mong họ đón Tết đủ đầy hơn, vui hơn.
Từ khi chưa lập Ban, một doanh nghiệp nước ngoài đã chung vai cùng Hànộimới "gánh" sứ mệnh giảm nghèo cho đến tận bây giờ, đó là BAT Việt Nam. Hàng tỷ đồng đã được bạn ủy thác qua Hànộimới cho người nghèo các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, An Giang, Quảng Trị, Long An… vay không lãi để phát triển sản xuất nhằm thoát nghèo. BAT Việt Nam còn cùng Hànộimới tài trợ không hoàn lại để xây cầu bê tông, nhằm xóa cầu khỉ ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Dự án hoàn thành đã giúp hàng nghìn trẻ em và người dân tại các điểm có cầu đi lại thuận tiện.
Sự sẻ chia của đồng nghiệp
9 năm làm công tác xã hội đã cho chúng tôi gặp nhiều người, nhiều cảnh ngộ và đi cũng nhiều hơn. Trong những chuyến đi đó, phải kể tới chiến dịch "Lửa ấm về các miền quê" và trao cả chục tỷ đồng cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt những năm 2009.
Cũng phải thừa nhận do những năm làm thời sự trước đó đã khiến tôi nhận thức vai trò quan trọng của hệ thống báo Đảng địa phương - những người anh em thân thiết của Hànộimới. Phần lớn các chiến dịch cứu trợ thường được định hình trong thời gian rất gấp. Cứu trợ khẩn cấp mà. Có đợt chỉ được quyết định vào chiều tối, sớm mai lên đường. Có những đợt đang trên đường trở về nhà đã nhận được lệnh của Tổng Biên tập: Lên kế hoạch để mai lên đường cứu trợ tiếp. Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi vạch ra kế hoạch: Trao đổi với đồng nghiệp địa phương để lên cung đường đi lại cho hợp lý, tiết kiệm thời gian; nhờ bạn chọn địa phương thiệt hại nặng nhất với những số liệu cụ thể về người, nhà cửa, gia súc, gia cầm...; rồi cũng chính các bạn đôi khi chuẩn bị giúp chúng tôi việc thu mua và đóng gói lương thực cần cứu trợ. Và phương tiện đi lại, cũng chính báo Đảng các địa phương lo giúp chúng tôi. Một trong những người bạn đó phải kể tới: cựu Tổng Biên tập (TBT) Báo Phú Yên Phạm Ngọc Phi. Anh Phi huy động tổng lực tòa soạn báo vào cuộc cùng Hànộimới. Hàng chục tấn gạo cứu trợ của Hànộimới được anh vận động doanh nghiệp tài trợ tiền vận chuyển, bởi "các bạn mang theo cả tấm tình vào tận Nam Trung bộ, người dân chúng tôi cũng phải có trách nhiệm đóng góp chứ!". Hoặc như TBT Báo Bình Định Đỗ Nguyên Hùng đang bị bệnh phải nằm viện, vậy mà khi chúng tôi kết nối để vào cứu trợ tại Bình Định, anh dường như quên mất mình bị bệnh, chỉ đạo tòa soạn hối hả phối hợp cùng Hànộimới để chuyển hàng đến được đúng người cần giúp với thời gian ngắn nhất. Rồi còn đó là những TBT Hoàng Văn Thành (Báo Điện Biên), TBT Lê Văn Nhi (Báo Quảng Nam), TBT Bùi Anh Túy (Báo Yên Bái)… Những nghĩa cử này thật đáng trân trọng, nói lên đạo lý của dân tộc Việt.
9 năm - một khoảng thời gian chưa phải là nhiều đối với Ban Công tác xã hội. Nhưng 9 năm đó Hànộimới nói chung và Ban Công tác xã hội nói riêng thực sự là cây cầu nối những tấm lòng nhân ái của doanh nghiệp đến với những người dân đang gặp khốn khó; là sợi dây nối những tấm tình của người làm báo Đảng Thủ đô với các địa phương để tạo dựng một xã hội ấm áp mà trong đó mọi người yêu thương nhau và có trách nhiệm với nhau hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.