99 năm kể từ khi ra đời cho đến nay (21/6/1925 - 21/6/2024), báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành và phát triển cùng dân tộc, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các thế hệ làm báo luôn tự hào là người tuyên truyền, cổ động tổ chức tập thể thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
Báo chí cách mạng cùng với văn học, nghệ thuật đã có những cống hiến xuất sắc trong việc truyền bá hệ giá trị văn hóa Việt Nam thông qua các tác phẩm báo chí và tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Báo chí cũng đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế và mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh những đóng góp to lớn, đầy tự hào của báo chí cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin, đến phương thức tiếp cận công chúng, làm chủ công nghệ và thu hút nguồn thu. Một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình hiện nay. Một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, tự cho mình “quyền lực” để dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Càng tự hào về truyền thống, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo hôm nay càng thấy rõ trách nhiệm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển báo chí, truyền thông. Chúng ta quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu về xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, cần tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; phát triển kỹ thuật, kết cấu hạ tầng hiện đại phục vụ công tác báo chí, truyền thông; nâng cao năng lực nghề nghiệp của người làm báo trong thời đại số; chú trọng tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin báo chí, truyền thông. Để đội ngũ nhà báo vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, báo chí và người làm báo cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm với xã hội, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, phát huy vai trò là phương tiện, vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, cần thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.
Hơn bao giờ hết, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội; góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, chung tay xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (năm 2025), những người làm báo nguyện luôn giữ cho mình "Tâm sáng, lòng trong, ngòi bút sắc”, không ngừng tự học tập và rèn luyện đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.