Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tầm nhìn và tinh thần nhân văn

Phạm Quang Long| 10/07/2012 06:50

(HNM) - Kỳ họp lần thứ 11 của lãnh đạo các thành phố lớn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore, cùng tổ chức với cuộc gặp mặt của 130 thị trưởng các thành phố trên thế giới trong một khu đô thị mới xây dựng, hiện đại và quyến rũ ngay bên bờ vịnh Marina.


Đoàn của thành phố Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo dẫn đầu, tham dự với tư cách là thành viên của mạng lưới và là chủ nhà của kỳ họp lần thứ 12 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm tới…


Khu đô thị hiện đại và quyến rũ bên bờ vịnh Marina (Singapore).

Tuy không phải lần đầu tiên đến Singapore, nhưng quả thực, từ sân bay Changi về khách sạn, những cảnh vật hai bên đường cứ gợi cho anh em trong đoàn những suy tư và những trao đổi về vẻ đẹp và sự quy củ của thành phố. Tháp tùng Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo lần này, ngoài bộ phận giúp việc là lãnh đạo các sở Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các viện Quy hoạch xây dựng và Kinh tế, xã hội của thành phố. Thế cho nên mọi trao đổi đều xoay quanh những vấn đề của quy hoạch đô thị, quản lý đô thị. Mấy anh đi cùng làm nghề quy hoạch và xây dựng cứ tấm tắc khen những ý tưởng kiến trúc táo bạo, cái cách người ta làm "mềm" đi những khối bê tông đồ sộ, có mặt ở khắp nơi và sự hợp lý trong cảnh quan của các công trình.

Chủ đề kỳ họp là phát triển bền vững của các đô thị trong xu thế hòa nhập, hữu nghị và hợp tác nhưng không làm biến mất những đặc trưng vốn có của mỗi thành phố. Không phải ngẫu nhiên mà các thành phố lớn như Tokyo, Seoul, Bangkok, Manila, Giacacta, Kuala Lumpur đã giải quyết xong nhiều vấn đề về giao thông, quản lý đô thị... từ lâu rồi nhưng vẫn cử các quan chức cấp cao đến ngồi cùng với các thành phố khác để bàn bạc cách thức phối hợp với nhau giải quyết các vấn đề không phải là của họ, thuộc về họ nữa. Trong viễn cảnh hội nhập, mỗi yếu tố nằm trong hệ thống có vai trò của nó mà nếu bỏ qua, lãng quên một việc gì, hậu quả sẽ khôn lường, cả hệ thống sẽ phải gánh chịu.

Tôi rất quan tâm đến một báo cáo đặt một vấn đề không lớn lắm như hệ thống xe buýt ở Đài Loan (Trung Quốc) nhưng lại gợi mở nhiều ý kiến thú vị. Tương tự như vậy, đại biểu Seoul chỉ đặt vấn đề phát triển kinh tế trong giao thông, còn đại diện Tokyo nêu chiến lược về thế kỷ xây dựng xanh ở thành phố đông đúc và hiện đại này, trong đó việc xây dựng và sử dụng năng lượng được đặt ra như một điều kiện bảo đảm cho sự thành công của sự phát triển bền vững. Hẳn không chỉ có người Nhật Bản, không chỉ có những vùng chịu ảnh hưởng của thảm họa sóng thần và vụ "vỡ" nhà máy điện hạt nhân ở Tokyo vào năm trước còn ám ảnh chúng ta mà rõ ràng những tiềm ẩn nguy cơ gây hại của một hướng đi, một công trình cụ thể ở đất nước này lại là nguy cơ đe dọa đến cuộc sống an lành của người dân ở các đất nước khác. Những người đứng đầu của các thành phố lớn trong khu vực đã nêu vấn đề này thành những thách thức và cùng bàn cách giải quyết. "Cân bằng sự tăng trưởng của kinh tế đô thị với những nhu cầu xã hội và môi trường" được ngài Bộ trưởng Singapore nêu ra như chủ đề chính của cuộc đối thoại chính sách mà các thành phố đang quan tâm. Báo cáo của đại diện thành phố Singapore gây được sự chú ý của hội nghị bởi sự nhất quán trong cách thức tổ chức và quản lý quy hoạch của đảo quốc, ở tầm nhìn và sự thống nhất các mục tiêu khác nhau trong một hệ thống.

Ấn tượng về một Singapore - thành phố vườn, một đô thị hiện đại trong một khu vườn khổng lồ càng được khẳng định hơn khi chúng tôi nghe báo cáo của nước chủ nhà. Singapore, quốc đảo, thành phố vườn hiển hiện ở mọi nơi. Những đường phố được thiết kế chạy dưới những vòm cây xanh mướt ngang dọc khắp thành phố, những tòa nhà được xây dựng, trong đó rải rác những vườn cây đủ loại như vườn treo, vườn lưng chừng nhà, vườn trên ban công, vườn bám theo tường, vườn ở những đoạn cầu dẫn và vườn ở một hệ thống công viên liên kết với nhau từ khu này sang khu khác tạo nên cảm giác nơi nào cũng có vườn, nơi nào cũng có rừng nhưng không rải rác, vụn vặt, không um tùm, tự nhiên mà được chăm sóc cẩn thận, mỗi nơi một vẻ, mỗi cây, mỗi vườn đều được gắn với một nhiệm vụ riêng, có vai trò riêng nhưng lại thống nhất với nhau một cách hài hòa, tự nhiên trong một hệ thống.

Bờ biển ngay bên, gió biển đem mùi của đại dương thổi vào thành phố vẫn không làm tan mất cảm giác hài hòa của những công trình kiến trúc hiện đại, quyến rũ. Một thế giới của bê tông, sắt thép, kính xây dựng... không làm cho các công trình ven bờ vịnh trở nên cứng nhắc mà vẫn uyển chuyển, dịu dàng, mềm mại. Anh hướng dẫn viên chỉ vào hai tòa nhà trông giống những vỏ sò biển khổng lồ nằm ngay bên vịnh bảo vì những công trình này mà cha con Thủ tướng bất đồng với nhau. Ông Lý bố không muốn những tòa nhà ấy làm mất đi vẻ quyến rũ của bờ vịnh và sợ người ta cho rằng đất nước này đã sử dụng ý tưởng của một công trình nổi tiếng khác ở bên kia bờ biển: Nhà hát Opera ở Sydney. Còn ông Lý con thì bảo vệ quan điểm của mình khi nói rằng, mỗi cái có sự độc đáo của nó và "những con sò này là của người Singapore" sẽ là niềm tự hào của người dân đảo quốc. Tôi không rõ ai đúng, ai sai nhưng nhìn từ phía xa thì những công trình này đẹp thật. Nó hài hòa với những tòa nhà hiện đại, đẹp lộng lẫy bên bờ biển, làm cho khu vực ven bờ vịnh này đẹp hơn rất nhiều. Gần chục năm trước có người nói với tôi, ở khu trung tâm, mỗi tòa nhà mới được xây dựng đều phải được Chính phủ duyệt, tôi đã nghĩ dường như họ hơi quan trọng hóa việc này. Giờ, nhìn lại công việc của họ mới thấy người ta đã lo xa theo tinh thần của Nho giáo từ nghìn năm trước: Lo cái lo xa sẽ không phải đối mặt với cái khó gần, mỗi công trình khi xây dựng ở đâu người ta đều đặt nó trong mối liên hệ toàn diện với những vấn đề sẽ phải giải quyết của công trình trong tương lai. Tính hệ thống, toàn diện, tầm chiến lược của một chính sách, những dự liệu tỉ mỉ, cặn kẽ đến chi tiết của những hạng mục cụ thể đã được tính đến nên khi bắt tay vào việc, người ta đã soạn thảo kỹ lộ trình và hình dung ra kết quả. Cái khác biệt là những tác động của chính sách đến môi trường và con người đã được những người có trách nhiệm lượng định từ khi dự án mới bắt đầu thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nói với chúng tôi: Chủ đề năm nay đã rõ rồi, sang năm chúng ta chọn chủ đề nào vừa thể hiện sự liên tục, mối quan tâm của mọi người nhưng lại đem lại một nhận thức mới mẻ, thiết thực. Tôi thích ý tưởng quản lý đô thị theo những quy định hiệu quả hơn, đem lại cho mọi người những điều kiện thực hiện nghĩa vụ của mình và các cơ quan quản lý cũng có điều kiện thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn… Quản lý đô thị mà chưa tính hết, tính đủ những yếu tố xoay quanh câu hỏi làm sao cho con người sống tốt hơn là chưa thành công.

Tôi hỏi: Tinh thần căn bản hay hạt nhân của tư tưởng quản lý của chính quyền đô thị mới là gì? Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói ngay: Tính pháp lý, tinh thần pháp trị mà cái đích của nó, tư tưởng bao trùm mọi chính sách lẫn biện pháp quản lý phải thấm đượm tinh thần nhân văn, phải vì con người. Tôi chán cái gọi là con người chung chung lắm vì căn cứ vào đó, người ta nói nhiều điều to tát lắm nhưng toàn bắn lên giời thôi. Phải là những con người cụ thể, là bộ phận nào trong xã hội kia. Đi như thế này, các anh nên nghiên cứu chiều sâu của cách thức tổ chức và xây dựng cũng như quản lý quy hoạch. Người ta đi trước mình tạo cho mình thuận lợi để học hỏi, rút kinh nghiệm và rút ngắn thời gian mày mò tìm kiếm, nhưng nếu không nghĩ ra điều gì đó của mình, học người nhưng làm theo cách của mình sao cho hiệu quả và thiết thực hơn thì suốt đời chúng ta vẫn là người đi sau họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầm nhìn và tinh thần nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.