(HNM) - Hôm qua (15-6), Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội lại tiếp tục được Quốc hội đưa ra bàn thảo. Điều đó cho thấy vấn đề quy hoạch Thủ đô quan trọng như thế nào đối với sự phát triển đất nước.
Nếu các nhà sử học coi việc đức Lý Công Uẩn dời đô cách đây 1000 năm là cuộc kiến tạo vĩ đại của lịch sử thì quy hoạch Thủ đô mà Quốc hội đang bàn thảo cũng là cuộc kiến tạo mới đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Vì vậy, trách nhiệm nặng nề đặt lên vai các vị đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho nhân dân với những quyết sách mang tầm lịch sử.
Nếu không "trông ngày xưa" khó có thể "trông đến mai sau" và chắc chắn một điều những câu chuyện từ quá khứ luôn chứa đựng bài học bổ ích rất đáng để tham khảo cho các quyết định tương lai.
Chuyện thứ nhất: Đức Lý Công Uẩn thiên đô. Từ bỏ đất Hoa Lư thủ hiểm có thể giữ vững vương quyền trước cường địch để xây dựng một kinh thành mới làm đất đế đô của muôn đời là một quyết định vô cùng khó khăn với đức vua sáng nghiệp họ Lý và cả vương triều mới cầm quyền không lâu. Song, với ý chí quyết đoán, tầm nhìn sâu rộng, của đức Lý Công Uẩn, việc thiên đô đã diễn ra với Rồng Vàng bay lên để đất cũ trở thành kinh thành Thăng Long - biểu tượng cho nền tự chủ của người dân nước Việt. Và cho đến hôm nay, nhiều nhà khoa học đánh giá quyết định này là một cuộc kiến tạo lịch sử để lớp lớp con Lạc, cháu Hồng "thương nhớ đất Thăng Long".
Chuyện thứ hai: Xây dựng cầu Thăng Long. Tầm vóc, ảnh hưởng lịch sử không lớn, nhưng ngày 9-5-1985 vẫn là một ngày thật đặc biệt với việc khánh thành cầu Thăng Long. Đây có lẽ là cây cầu có quá trình thiết kế thi công tốn phí nhiều thời gian. Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có ý kiến xây cầu vượt sông Hồng thông Hà Nội với Thái Nguyên, Việt Trì để phát triển lên phía Bắc, đến năm 1971 ta mới đàm phán với Trung quốc để khảo sát xây cầu. Và năm 1985 cầu mới hoàn thành với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô. Mấy năm sau đó, cầu vắng hoe, không mấy ai qua lại và không ít người đã đặt câu hỏi về hiệu quả của cây cầu. Thế nhưng từ những năm đổi mới, cầu Thăng Long đã trở thành huyết mạch quan trọng góp phần vào việc mở cửa hội nhập - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và không ai còn bàn cãi về hiệu quả của nó.
Đức Lý Công Uẩn thiên đô để lại một kinh thành muôn đời cho hậu thế, xây dựng cầu Thăng Long đón đầu đổi mới mang lại hiệu quả vô cùng to lớn. Những câu chuyện trên đất Thăng Long đã phần nào cho thấy tầm vóc của nhưng quyết đoán lịch sử.
Quyết định phát triển Thủ đô qua Đồ án quy hoạch chung Hà Nội cũng là một quyết định lịch sử. Trước mắt chúng ta rất nhiều khó khăn nhưng chắc chắn 30 năm, 50 năm nữa, tiềm lực, vị thế của Thủ đô sẽ khác, Hà Nội không chỉ gói gọn trong vòng tay của sông Mẹ (sông Hồng) mà sẽ phải vươn ra xa hơn. Và tầm nhìn của những quyết sách cũng phải vượt qua không gian và thời gian đón đầu những cơ hội lịch sử mới để tính chuyện ngàn đời cho hậu thế.
Cuộc kiến tạo lịch sử thứ hai của kinh thành Thăng Long - Hà Nội đang trông cậy vào tầm nhìn và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.