(HNM) - Một cuộc gặp gỡ cuối năm giữa đại diện các nhà văn, trong đó có nhiều tên tuổi lớn của nền văn học nước nhà với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) là dịp để cùng nhau nhìn lại một chuyện khá "gai góc": Bảo vệ quyền tác giả cho hơn 1.000 nhà văn có ủy quyền và một cộng đồng tác giả rộng lớn trong văn giới Việt.
Chuyện sẽ không có gì để nói khi văn giới và dư luận chung đều tán thành việc thực thi quyền tác giả văn học, một cách ứng xử tất yếu, phù hợp với luật pháp và bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhưng, bỗng thấy, hóa ra phía sau những băn khoăn tỏ bày của cả phía VLCC và phía các nhà văn còn quá nhiều ràng buộc, níu kéo...
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc VLCC không giấu những tình huống dở mếu dở cười. Từ hồi làm bản quyền đến giờ, vì nhiệm vụ mà thành ra va vấp với không ít NXB vốn trước đây là chỗ quen biết, thậm chí là thân thiết...
Nan giải hơn, như nữ giám đốc này bày tỏ, tâm lý "nhẹ tiền, nặng tình" của nhà văn chính là một trong những lực cản lớn đối với công tác thực thi bản quyền văn học. Đêm khuya, đại diện VLCC nhận được phản ánh gay gắt của một lão nhà văn rất nổi tiếng về việc sách của cụ bị một NXB đem in mà không hỏi, cũng chả có trao đổi gì về bản quyền... Lập tức, công văn của VLCC được gửi tới tấp đến nơi cần đến. Nhưng, vào một chiều, lão nhà văn gọi lại, bảo: "Nó (tức đơn vị in sách) gọi tao đi uống bia, xin lỗi, cảm ơn rồi. Nghe nó nói hoàn cảnh lắm. Tao thì cũng chả kiện vì tiền. Nên thôi nhé, bỏ đi!".
"Thôi nhé!", là cụ bảo thế nhưng việc đã dở dang rồi. Hành trình đòi bản quyền vốn đã gian nan, cứ sấp ngửa mướt mải đi về rồi mà lại "thôi nhé!" thì nản lắm! Từ đó, sau khi "rút kinh nghiệm sâu sắc", các hoạt động ủy quyền của nhà văn với trung tâm được cụ thể hóa bằng văn bản.
Nhưng, nói thế chứ ai cũng biết cái tâm lý nhà văn nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung là thế, gay gắt trên trang sách còn được, chứ gay gắt với đời thì... khó lắm...!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.