Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tấm lòng “Từ mẫu” của người thầy thuốc già

Chí Kiên| 10/11/2016 06:28

(HNM) - Ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng người cựu chiến binh, bác sĩ Đông y Đào Việt Kế ở thôn Đào Xá, xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) vẫn hằng ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng đi chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Tấm lòng

Giúp nhiều người chiến thắng bệnh tật

Thoạt nhìn, ít ai nghĩ ông Đào Việt Kế năm nay đã sang tuổi 80 bởi vóc dáng nhanh nhẹn, hoạt bát. Khi được đề nghị chia sẻ về bản thân, ông Kế chỉ nói: “Tôi làm việc theo tâm nguyện, cũng chẳng biết nói gì về mình!”. Ông dừng một lát rồi tiếp: “Giờ anh đi cùng tôi sang thăm nhà bệnh nhân nhé!”.


Lương y Đào Việt Kế tuổi cao nhưng vẫn tận tình chữa bệnh cứu người.


Theo chân người cựu chiến binh già, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Tiến Lợi ở xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên). Bất ngờ được gặp ân nhân, ông Lợi xúc động nắm chặt tay, mừng mừng tủi tủi như người thân lâu ngày gặp lại. Nói về câu chuyện của mình, ông Lợi nhớ lại: “Tôi không may bị tai biến mạch máu não, bị di chứng liệt nửa người bên trái. Điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, dùng nhiều loại tân dược nhưng bệnh chỉ cải thiện chút ít. Ơn trời, ông Kế giúp xoa bóp, bấm huyệt trong 4 ngày liền tôi đã thấy cơ thể thoải mái, vận động tốt hơn”. Không dừng lại ở đó, ông Kế tiếp tục hướng dẫn người đồng đội đã từng “vào sinh ra tử” ở chiến trường cách tập luyện, xoa bóp, bấm huyệt hằng ngày.

“Sau 2 tháng thực hiện theo phác đồ, sức khỏe của tôi trở lại được 80% so với ban đầu. Vui nhất là chân tay cử động tốt, đầu không còn choáng váng và ăn ngủ tốt” - ông Lợi chia sẻ niềm vui. Một điều ông Lợi vẫn áy náy cho mãi đến tận bây giờ là trong quá trình chữa bệnh, dù đi lại vất vả đêm hôm nhưng ông Kế không quản ngại khó khăn và không lấy một đồng tiền công. "Đó là điều rất đáng quý, đáng trân trọng của người thầy thuốc” - ông Lợi tự hào về người bạn của mình.

Tài năng, tâm đức người thầy thuốc Đào Việt Kế đã được nhiều người nghèo trong thôn, ngoài xã biết tiếng và tìm đến để cậy nhờ. Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Bảo ở thôn Nguyễn Xã, xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) chúng tôi cũng cảm nhận rõ niềm vui của đại gia đình này khi có người thân mắc bệnh hiểm nghèo được chữa khỏi. Kể lại câu chuyện ông Kế chữa bệnh cho anh trai Nguyễn Văn Bảo, ông Nguyễn Văn Cợi ví đây như “một giấc mơ” đối với gia đình ông. Ông Cợi cho biết: “Anh tôi bị tai biến mạch máu não, co giật, méo mồm, nói ngọng, ăn uống, đi vệ sinh phải có người nhà giúp đỡ. Đi bệnh viện điều trị cũng chỉ thuyên giảm chút ít, anh tôi phải nằm liệt trong nhiều tháng trời, cho đến khi gặp ông Kế…”. Nói đến đây, ông Cợi xúc động nắm chặt bàn tay gầy gò của ông Kế nói lời cảm tạ: “Cụ quân y, cụ đúng là lương y như từ mẫu!”. Rồi ông kể tiếp: “Chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ được ông Kế xoa bóp, bấm huyệt, anh trai tôi tỉnh táo hẳn ra. Vì quá vui mừng và xúc động, thời điểm đó anh trai tôi đã reo lên như một đứa trẻ: “Tôi đã khỏi rồi, tôi đã khỏi rồi...”.

Chính sự ân cần, gần gũi của ông Đào Việt Kế được người bệnh hết mực yêu quý, và nó cũng tiếp thêm sức mạnh cho họ để chiến thắng bệnh tật.

Nghề phúc, nghiệp phải cố...

Trò chuyện với chúng tôi, ông Kế kể, năm 15 tuổi ông đã tham gia du kích vào những cuộc phá tề, diệt bốt, bảo vệ quê hương. Năm 1954, khi hòa bình lập lại, ông xây dựng gia đình với người đồng chí đã từng lăn lộn trong phong trào du kích là bà Đào Thị Lộc, người phụ nữ đầu tiên của huyện Phú Xuyên làm Trưởng thôn suốt 17 năm (từ năm 1980 đến 1997). Năm 1959, ông Kế tạm biệt người vợ trẻ và con trai đầu lòng chưa đầy 1 tuổi để lên đường nhập ngũ. Ông được phiên chế vào Sư đoàn 308 và ngay sau đó được đi học lớp quân y thuộc hệ chính quy ở Bệnh viện Sư đoàn 308. Hồi tưởng những bài học trên chiến trường, ông nghẹn ngào: “Bài giảng đầu tiên từ chính trị viên Nguyễn Văn Ngần cũng là bài học theo tôi suốt cuộc đời: Lương y như Từ mẫu. Đó cũng là lời dạy của Bác Hồ: Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Học xong khóa học, ông Kế được điều về bệnh xá chữa bệnh cho thương bệnh binh. Trong 3 năm phục vụ chiến trường, ông Kế được cấp trên chuyển về Quân Y viện 354 ở phố Đốc Ngữ (Hà Nội) công tác.

Bước ngoặt trong quãng đời binh nghiệp của người thầy thuốc Đào Việt Kế là ông đã rời Quân Y viện 354 và viết đơn tình nguyện ra chiến trường phục vụ chiến đấu ở nước bạn Lào. Trong suốt 10 năm ở chiến trường Lào, ông đã bị thương trong một lần xả thân vào trận địa tải thương, cứu thương. Cùng thời gian đó, trong những lần hành quân qua những khu rừng trụi lá vì chất độc da cam, ông và nhiều đồng đội đã bị nhiễm chất độc da cam. Khi nhiệm vụ quân ngũ kết thúc, ông trở về quê hương trong tình trạng sức khỏe giảm sút trầm trọng. Dù vậy người cựu binh già đã không lùi bước. Ông ngày đêm nghiên cứu, tự mình xoa bóp, luyện tập, nâng cao thể trạng, sức khỏe và làm thầy thuốc cứu chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo.

Trong quá trình đi khắp nơi cứu chữa người bệnh, người thầy thuốc Đào Việt Kế đã dùng y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền để tìm ra phác đồ điều trị tốt nhất. Ông Kế kể những công trình tâm đắc nhất như “Khí công dưỡng sinh”; “Trường sinh học - Nhân điện”… Phương pháp điều trị là kết hợp bấm huyệt, châm cứu trước, tiếp đến mới dùng thuốc tiêm, thuốc uống. Hàng chục năm hành nghề, ông Kế chữa khỏi bệnh cho hàng trăm bệnh nhân nghèo bị tai biến về tim mạch, bệnh viêm thần kinh, viêm đường hô hấp, suy hô hấp, liệt hô hấp, bệnh về tiêu hóa, hệ tiết niệu, phụ khoa, bệnh về mắt… Trong lĩnh vực y thuật, Tiến sĩ, bác sĩ Mai Viết Hùng - một người bạn của lương y Đào Việt Kế nhận xét: “Hiện nay thế giới hướng đến một cái đích không cần dùng thuốc mà vẫn đem lại hiệu quả chữa bệnh cho con người. Đồng chí Kế đang thực hiện được nhiệm vụ đó”. Người đồng nghiệp với ông Kế, Trung tá Đào Bá Vy, bác sĩ vật lý trị liệu, khâm phục: “Công lực của đôi tay ông Kế khá tốt, bấm mạch và có sức truyền điện, làm nóng ngay tại huyệt, lan tỏa theo kinh”.

Thời gian gần đây do sức khỏe yếu dần ông không còn nhiều năng lượng để bấm huyệt. Tuy nhiên, hằng ngày bệnh nhân tìm đến rất đông, và ông Kế vẫn tận tình hướng dẫn cách xoa bóp và mách họ phương thuốc chữa bệnh rẻ tiền mà hiệu quả nhất cho mỗi người. Chia tay lương y Đào Việt Kế, ông đọc tặng chúng tôi một đoạn thơ: “Xưa chiến trường không rụng. Nay về quê không suy. Nghề phúc, nghiệp phải cố. Góp cho đời thêm tươi”. Rồi ông quả quyết: “Nghề nhân đạo nhất trên đời là nghề cứu người. Nghề vô nhân đạo nhất trên đời là nghề y thiếu đức".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tấm lòng “Từ mẫu” của người thầy thuốc già

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.