Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tấm lòng của một cựu chiến binh

Vũ Kiên| 04/06/2013 06:58

(HNM) -


Ông Vũ Xuân Tú, sinh năm 1953, quê ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Năm 1970, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở nước bạn Campuchia. Năm 1985, ông xuất ngũ, trở về quê hương với nhiều vết thương trên mình và được phân công công tác trong ngành lao động, thương binh và xã hội ở địa phương. Năm 2005, ông thành lập Công ty cổ phần Xây dựng thương mại - dịch vụ Hải Dương, thu hút lao động là người khuyết tật và con em gia đình chính sách, nông dân có nhu cầu làm việc trong lĩnh vực may mặc, thêu ren.

Hiện Công ty cổ phần Xây dựng thương mại - dịch vụ Hải Dương duy trì việc làm ổn định cho 20 lao động là người khuyết tật, cùng hơn 30 lao động thường xuyên khác và tạo việc làm thời vụ cho trên 100 lao động không thường xuyên, trong đó 85% là nữ. Mức thu nhập trung bình mỗi người đạt 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với lao động làm nghề thủ công không thường xuyên; từ 2,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với lao động làm nghề may. "Khi bắt tay vào làm kinh tế, tôi đã tới các tỉnh xa tìm hiểu, chắt lọc kinh nghiệm để áp dụng phương án sản xuất riêng với hy vọng công ty sẽ phát triển để tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khuyết tật" - Ông Tú nói.

Hoạt động có uy tín nên công ty của ông Tú đã được UBND tỉnh, ngành lao động thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương giao nhiệm vụ thực hiện dạy nghề cho người lao động. Với bản tính tốt bụng, nhiệt tình của một người lính vốn trải qua nhiều gian khổ, ông Tú rất cảm thông với những số phận bất hạnh. Người khuyết tật, con em cựu chiến binh, nông dân nghèo khi đến xin học nghề đều được miễn phí và được nuôi trong suốt quá trình học. Đến nay, số học viên được ông truyền nghề đã lên tới cả nghìn người. Không chỉ người địa phương mà học viên ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình... cũng đến xin học. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết học viên có việc làm và thu nhập ổn định. Có em trở về nhà mở cửa hàng riêng; có em do chịu khó học hỏi, có kỹ năng, chuyên môn nên được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp; có em xin ở lại cơ sở vừa làm việc, vừa giúp đỡ thầy giáo, cô giáo động viên, chỉ bảo cho học sinh khóa sau. "Từ giữa năm 2007 đến nay, chúng tôi đã đào tạo và giới thiệu được hơn một nghìn lao động nông thôn và lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc trong các công ty có vốn đầu tư trong và ngoài nước" - Ông Tú phấn khởi khoe.

Mới đây, cựu chiến binh Vũ Xuân Tú đã vinh dự được tặng Bằng khen của Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam vì có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc người khuyết tật. Đối với ông, sự ghi nhận, biểu dương đó là một trong những động lực lớn lao giúp ông tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa vì những người thiệt thòi trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tấm lòng của một cựu chiến binh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.