Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tâm huyết với nông phẩm sạch

Hiền Thu| 12/12/2015 06:53

(HNM) - Những năm gần đây, nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông sản sạch phục vụ cộng đồng và nâng cao kinh tế gia đình.


Ý thức với trách nhiệm của mình, chị Hậu luôn cập nhật thông tin về công tác hội và phong trào nông dân để kịp thời xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Đặc biệt là chị đã tuyên truyền để bà con nông dân tích cực hưởng ứng mô hình quản lý diện tích sản xuất rau hữu cơ thông qua liên nhóm.

Chị Hoàng Thị Hậu.


Từ chỗ chỉ có một nhóm gồm 11 hộ tham gia sản xuất rau hữu cơ trên tổng diện tích 7.700m2 (năm 2008) đã tăng lên 18 nhóm gồm 157 hộ trồng với diện tích gần 240.000m2 (năm 2015). Hiện toàn bộ diện tích sản xuất rau tại 18 nhóm đều được cấp giấy chứng nhận PGS (tiêu chuẩn dành cho các loại rau sản xuất theo phương pháp hữu cơ). Bên cạnh đó, chị Hậu còn động viên nông dân phát triển các mô hình: Bưởi Diễn; chăn nuôi lợn, gà, vịt...

Đến nay đã có 40-50 hộ tham gia, thu nhập trung bình của các hộ lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Lúc đầu, chủ trương vận động bà con chuyển đổi mô hình cũng gặp không ít khó khăn, song, chị Hậu đã kiên trì vận động. Chị chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với tổ chức, cơ quan chuyên ngành tập huấn các chương trình khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng nghìn lượt hội viên. Sự hướng dẫn, giúp đỡ, giải đáp của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sản xuất khiến bà con nông dân tin tưởng.

Theo chị Hậu, ngay như mô hình sản xuất rau hữu cơ, quy trình sản xuất phải tuân thủ nguyên tắc vàng: Sức khỏe - Sinh thái - Công bằng - Cẩn trọng. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tuyệt đối không sử dụng hóa chất, chất kích thích tăng trưởng... Do đó, các sản phẩm đều bảo đảm chất lượng; có hàm lượng dinh dưỡng cao; giữ được hương vị tự nhiên đặc trưng. Tuy nhiên, thời gian trồng lâu hơn, công sức bỏ ra nhiều hơn và giá thành cao hơn. Và để chống gian lận, các liên nhóm đã thành lập ban thanh tra kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kịp thời xử lý sai phạm. Nhóm vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc treo chứng chỉ, tùy theo mức độ vi phạm. Nếu nhóm tái phạm nhiều lần sẽ đình chỉ hoạt động và không được tham gia vào liên nhóm.

Sự thành công của việc mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ và mô hình trang trại chăn nuôi của xã Thanh Xuân đã thu hút hàng chục đoàn khách trong nước và nước ngoài (Nhật, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc...) đến tham quan, tìm hiểu. Chị Hậu đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành, và bản thân chị cảm thấy vui vì đã cùng mọi người góp phần vào việc làm nên thương hiệu "Rau hữu cơ Sóc Sơn" phục vụ cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm huyết với nông phẩm sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.