Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tâm huyết, trí tuệ góp ý vào Đạo luật gốc của đất nước

Thu Vân - Linh Nhi| 07/04/2013 06:09

(HNM) - Với vai trò phát huy dân chủ, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thời gian vừa qua các cấp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố Hà Nội đã chủ động tuyên truyền, vận động 29/29 quận, huyện, thị xã, 577/577 xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Xuân Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, về một số nội dung xung quanh vấn đề này.

Cách làm chủ động, bài bản, sáng tạo

- Thưa ông, về nhận thức, các cấp MTTQ thành phố Hà Nội đã xác định như thế nào về tầm quan trọng của việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992?

- Chúng tôi nhận thức rằng, đây là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng và đặc biệt quan trọng của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên Mặt trận. Việc tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân góp ý vào Đạo luật gốc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Trong quá trình thực hiện, phải tổng hợp ý kiến nhân dân một cách chu đáo, kịp thời, đầy đủ, trung thực, chính xác. MTTQ thành phố Hà Nội đã nhận định và đánh giá đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác của quý I và cả năm 2013.

Ông Nguyễn Xuân Điệp.


- Từ nhận thức đó, MTTQ thành phố Hà Nội đã triển khai việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như thế nào cho phù hợp và hiệu quả?

- Do xác định được tầm quan trọng của công việc này cũng như vai trò, trách nhiệm của mình, ngay sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 17, HĐND thành phố có kế hoạch số 04 nhằm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 38 của Quốc hội và Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị về tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi đã có Kế hoạch số 08 để triển khai tới các cấp MTTQ trên địa bàn. Tiếp đó, MTTQ thành phố đã tổ chức hai hội nghị, quán triệt cho các quận, huyện và các tổ chức thành viên để triển khai; đồng thời ban hành Văn bản số 06, hướng dẫn công tác tư tưởng và công tác tuyên truyền việc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo. Có thể thấy MTTQ thành phố Hà Nội đã chủ động trong việc triển khai lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Có chủ động như vậy thì công tác tổ chức thực hiện mới được chu đáo, kịp thời. Đặc biệt, với mong muốn việc lấy ý kiến của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đạt kết quả cao nhất, đầu tháng 12-2012, MTTQ thành phố Hà Nội đã nghiên cứu và in cuốn “Tài liệu phục vụ tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, trong đó có bảng so sánh nội dung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

- Cách làm bảng so sánh trong cuốn tài liệu có giúp cho người đóng góp ý kiến nhiều không, thưa ông?

- Cách làm bảng so sánh như vậy giúp người góp ý dễ nhận biết những câu, chữ, nội dung khác nhau giữa Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, từ đó góp ý, bổ sung ý kiến của mình để hoàn thiện những nội dung trong dự thảo sửa đổi. Chúng tôi đã triển khai việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, của đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên thuộc MTTQ góp ý vào Dự thảo một cách bài bản và quan trọng là công khai, dân chủ, phát huy tối đa quyền làm chủ, trí tuệ của quần chúng nhân dân. Hàng loạt hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo đã được tổ chức với đủ các thành phần nhân sĩ, trí thức, cán bộ lão thành, cán bộ lãnh đạo các cấp, các nhà khoa học, các hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị, các luật gia, luật sư, đại diện các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo… trên địa bàn Hà Nội.

- Ngoài việc lấy ý kiến đóng góp thông qua tổ chức các hội nghị, MTTQ còn có hình thức, phương pháp nào để thu thập ý kiến của đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân?

- Việc góp ý kiến vào Dự thảo là một trong những nội dung trọng tâm của các hội nghị đại biểu nhân dân tại các khu phố, tổ dân cư trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, để thu nhận ý kiến của nhân dân góp ý vào Dự thảo, ngay tại trụ sở 15 phố Lý Thường Kiệt - Hà Nội, MTTQ thành phố đã thành lập tổ thường trực triển khai tổ chức góp ý cũng như tiếp nhận các ý kiến. Đồng thời chúng tôi đã chỉ đạo MTTQ tất cả các quận, huyện cử bộ phận trực luân phiên để tiếp nhận ý kiến đóng góp.

- MTTQ có cơ chế gì bảo đảm cho việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo được thực hiện một cách sâu rộng, kịp thời, chính xác, thưa ông?

- Trong quá trình thực hiện, chúng tôi có hai đoàn kiểm tra thay phiên đi về các quận, huyện, vừa giám sát, vừa nắm bắt tình hình việc tổ chức lấy ý kiến ở địa phương, đồng thời kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh phương pháp cho những nơi chưa làm tốt.

- Đã kết thúc đợt 1 lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đề nghị ông cho biết một số kết quả cụ thể?

- Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian qua, các cấp MTTQ thành phố Hà Nội đã tổ chức 2.951 hội nghị góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với 237.523 lượt người tham dự, tiếp nhận 30.695 ý kiến. 29/29 quận, huyện, thị xã; 577/577 xã, phường, thị trấn đều đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân (đợt 1) đóng góp vào Dự thảo.

Thể hiện quyền làm chủ của người dân

- Ông đánh giá như thế nào về những ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong thời gian vừa qua?

- Có thể khẳng định rằng, đây là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia, thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học… đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước. Đồng thời, thông qua việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào Dự thảo đã góp phần nâng cao nhận thức pháp lý, nâng cao ý thức và trách nhiệm của đông đảo nhân dân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các điều khoản quy định của Hiến pháp khi họ được trực tiếp góp ý, sửa đổi những quy định cụ thể trong Hiến pháp từ khi khởi thảo.

- Theo ông, nhận xét chung của người dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992?

- Trước hết, các tầng lớp nhân dân đều rất phấn khởi, đồng tình với việc Quốc hội đã ban hành một nghị quyết riêng lấy ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo; cũng như chỉ thị của Bộ Chính trị về vấn đề này. Phần lớn các ý kiến nhất trí với 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp có tính dự báo và có tính ổn định, lâu dài. Nhân dân ghi nhận dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được chuẩn bị công phu, kết cấu bố cục chặt chẽ, lôgic, sắp xếp phù hợp, dễ hiểu; Dự thảo có nhiều bổ sung, phù hợp thực tế, tăng cường dân chủ và phát huy được vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, người dân rất hoan nghênh khi Dự thảo có nhiều điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến quyền con người và những nguyện vọng chính đáng của nhân dân đã được thể hiện.

- Ý kiến đóng góp của người dân vào Dự thảo tập trung vào những nội dung nào, thưa ông?

- Với tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng và trí tuệ, các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến đầy đủ, toàn diện trên các nội dung trong Dự thảo; nhiều ý kiến tham gia chi tiết vào từng khoản, từng điều của các chương. Cũng có những ý kiến khác nhau về từng vấn đề, nhưng cơ bản là đồng tình với nội dung của Dự thảo. Các nhóm vấn đề được người dân tập trung tham gia ý kiến. Thứ nhất, khẳng định sự nhất trí cao với Điều 4 của Dự thảo về vai trò lãnh đạo của Đảng. Thứ hai là việc xác định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, quyền lực thuộc về nhân dân. Thứ ba là những đề nghị, mong muốn Dự thảo thể hiện rõ cơ chế để nhân dân thực hiện quyền lực của mình trên thực tế.

- Chúng tôi được biết, đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có khá nhiều ý kiến về chế độ sở hữu trong vấn đề đất đai. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Đây là vấn đề lớn, có những ý kiến khác nhau, nhưng đa số đều khẳng định trong điều kiện hoàn cảnh của nước ta, sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý là phương án hợp lý nhất. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật đất đai cần có quy định bảo đảm quyền sử dụng, sở hữu của cá nhân, tập thể và phải có cơ chế bảo vệ quyền của người được giao sử dụng đất.

- Còn với những điều, khoản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đối với hoạt động của MTTQ, thưa ông?

- Về vấn đề này, ý kiến góp ý vào Dự thảo có 6 đề nghị. Thứ nhất, cần khẳng định và thể hiện rõ vai trò, vị trí của MTTQ trong hệ thống chính trị, cần phải khẳng định MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị. Thứ hai, cần khẳng định MTTQ là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Thứ ba, khẳng định vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Thứ tư là cần khẳng định nhiệm vụ, vai trò của MTTQ trong việc phát huy, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Thứ năm, cần thể hiện rõ cơ chế để MTTQ thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội (chúng ta đã có quy định như vậy, nhưng chưa có cơ chế rõ ràng). Thứ sáu, đề nghị Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để MTTQ và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả.

Nâng cao cảnh giác, chống âm mưu diễn biến hòa bình

- Thưa ông, trong khi cả hệ thống chính trị của chúng ta đang cố gắng tạo điều kiện tối đa để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, tham gia đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì cũng có những ý kiến lợi dụng sự dân chủ để lồng ghép quan điểm, luận điệu mang tư tưởng chống phá Nhà nước, chống phá chế độ. Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, trong tham gia đóng góp vào Dự thảo, việc có những ý kiến, quan điểm khác nhau đối với từng nội dung, vấn đề nêu trong Dự thảo là bình thường. Dự thảo cũng đã hiến định rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, nhưng phải bảo đảm quyền đó trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

- Có một số người mang danh vì quốc gia, dân tộc đưa ra bản “kiến nghị” lớn tiếng yêu sách đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên đa đảng, “phi chính trị hóa” quân đội, “tam quyền phân lập”, tư hữu về đất đai... Qua việc tổ chức cho các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp vào Dự thảo, ông thấy thái độ của các tầng lớp nhân dân về hiện tượng này như thế nào?

- Như tôi đã trình bày, dù có những ý kiến khác nhau đối với từng vấn đề nhưng các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Hà Nội khi tổ chức lấy ý kiến thì không có những ý kiến như vậy. Mọi ý kiến dù rằng đề nghị, điều chỉnh, sửa đổi đối với từng điều khoản cụ thể nhưng đều trên tinh thần xây dựng. Rất nhiều người dân tỏ thái độ phản đối những người lợi dụng dân chủ để yêu sách, chống phá chế độ. Người dân hiểu rằng, quyền công dân phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, làm phương hại đến lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc.

- Ý kiến của một nhóm người không thể là đại diện cho trí tuệ, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, theo xác minh của các cơ quan báo chí, tên tuổi, địa chỉ của không ít người được ghi trong bản kiến nghị nêu trên là giả mạo…

- Cần ghi nhớ rằng, những luận điệu đó dù là lạc lõng với xu thế của thời đại, song luôn được các thế lực thù địch trong và ngoài nước “tung hứng” để thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình. Chúng ta cần tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác trước những quan điểm, luận điệu sai trái, lợi dụng dân chủ để lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, chống phá Nhà nước, chống phá chế độ.

- Cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm huyết, trí tuệ góp ý vào Đạo luật gốc của đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.