(HNNN) - Nhìn bảng đề cử Giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020, tôi đặc biệt ấn tượng về đoàn viên Trần Anh Tú - đang công tác tại khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương). Đơn giản bởi anh luôn ở trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, có mặt tại nhiều “điểm nóng” như Sơn Lôi, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc); Hạ Lôi, Mê Linh (Hà Nội); Đà Nẵng; Hải Dương...
Lắng nghe và thấu hiểu
Liên lạc với Trần Anh Tú để đặt lịch hẹn gặp phỏng vấn nhưng không có người nghe máy, tôi nghĩ có thể Tú quá bận. Khoảng nửa tiếng sau, điện thoại đổ chuông, tôi mừng rỡ bắt máy nhưng rồi lại chưng hửng khi Tú cho biết: “Mỗi lần đi vào khu vực có dịch về em lại phải cách ly nên không gặp được anh đâu. Có gì anh cứ email, tối em tranh thủ trả lời”. Chưa đầy 2 ngày Tú đã hồi âm với những trang viết đầy ắp thông tin.
Nhắc về những ngày lăn lộn ở các ổ dịch nóng bỏng, Tú cho biết, mỗi ổ dịch có đặc điểm riêng, diễn biến phức tạp nên việc chống dịch rất khó khăn. Sơn Lôi, Hạ Lôi là những ổ dịch nhỏ, dễ khoanh vùng với quy mô 1 xã hoặc 1 thôn, nhưng tại thời điểm đó có rất ít thông tin về tác nhân lây bệnh, gây không ít khó khăn cho việc tổ chức chống dịch. Trong khi đó, ổ dịch tại Đà Nẵng và Hải Dương lại là những ổ dịch lớn trong đô thị, nơi tập trung đông người với các mối liên hệ về dịch tễ vô cùng phức tạp, rất khó để khoanh vùng truy vết. Nhưng vất vả nhất vẫn là với các chuyến bay, bởi việc liên hệ với các hành khách gần như là bất khả thi đối với ngành Y tế, phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành khác thì mới có thể truy vết và tổ chức cách ly đối với những hành khách có nguy cơ mắc bệnh.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng Tú cho rằng, để giành chiến thắng tại các ổ dịch, có một điểm chung đó là tinh thần đoàn kết một lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự hợp tác, ủng hộ tích cực của người dân. Đây là một thuận lợi vô cùng to lớn mà hiếm quốc gia nào có được khi chống dịch Covid-19.
Nói về kinh nghiệm, Tú khẳng định, khi lực lượng y tế địa phương và người dân trong ổ dịch được lắng nghe, được thấu hiểu thì họ sẽ tin tưởng, ủng hộ và cùng tham gia chống dịch một cách hiệu quả nhất.
Quyết định đúng đắn
Sinh năm 1989, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tú thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội và lấy bằng Bác sĩ Y học dự phòng khóa 2007 - 2013 với suy nghĩ: Việt Nam là nước nhiệt đới nên sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm là không thể tránh khỏi. Việc phòng bệnh trong cộng đồng, giúp hạn chế tối đa chi phí điều trị cũng như nguy cơ tử vong, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đến giờ Tú vẫn khẳng định đó là quyết định đúng đắn, bởi đây là một chuyên ngành rất hấp dẫn với nhiều thử thách thú vị, nhất là sau khi tốt nghiệp được về “đầu quân” tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu về dịch tễ học và phòng bệnh truyền nhiễm ở nước ta.
Trong năm 2015-2016, Tú đã trực tiếp tham gia thiết kế và xây dựng Văn phòng đáp ứng dịch khẩn cấp khu vực miền Bắc (Emergency Operation Center - EOC). Năm 2018 - 2019, anh cũng trực tiếp tham gia xây dựng đề cương, thiết kế bộ công cụ, tập huấn, giám sát điều tra và lấy mẫu trong hoạt động điều tra quốc gia về tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và vi rút viêm gan C trong nhóm người trưởng thành tại khu vực miền Bắc.
Trong các đợt chống dịch Covid-19 vừa qua, Tú cũng trực tiếp tham gia xây dựng các văn bản của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát, cách ly, truy vết ca bệnh và người tiếp xúc gần. Nói về công việc này, Tú cho rằng các văn bản chuyên môn hướng dẫn của Bộ Y tế là thành quả, công sức của rất nhiều người, nhiều đơn vị, đặc biệt là những người trực tiếp chống dịch tại thực địa. Việt Nam là một trong những nước có kinh nghiệm đối phó thành công với các đại dịch, đặc biệt là các bệnh về hô hấp như SARS, cúm A/H1N1. Sau mỗi một ổ dịch được khống chế thành công, kinh nghiệm từ thành công, sai lầm đều được đúc rút để xây dựng và chỉnh sửa các văn bản hướng dẫn chuyên môn cho phù hợp, sát với thực tiễn và có tính khả thi cao. Với cách làm đó, khi triển khai các hướng dẫn này xuống thực địa, lực lượng y tế cũng như người dân đều ủng hộ và việc phòng, chống dịch trở nên rất hiệu quả.
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Tú còn là thành viên của Tổ thông tin đáp ứng nhanh thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19. Dù vất vả nhưng Tú đã học hỏi được rất nhiều điều mới mẻ cả về chuyên môn lẫn cách thức làm việc. “Tổ gồm nhiều chuyên gia từ các đơn vị khác nhau của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhờ đó em đã được chia sẻ rất nhiều kỹ thuật chuyên môn mà cảm giác như không hề có trường lớp, sách vở nào từng dạy. Ngoài ra, cách thức phối hợp làm việc nhóm mà tôi được tiếp cận thông qua quá trình làm việc trong Tổ cũng khiến em vô cùng ấn tượng, đặc biệt là các chuyên gia công nghệ thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ. Họ thực sự là những người tiên phong về công nghệ, đưa ra được những biện pháp hiện đại, giải quyết được rất nhiều bài toán hóc búa trong công tác truy vết người có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19. Có thể nói, nếu không có sự tham gia hỗ trợ của lực lượng này, chúng ta khó lòng chống dịch hiệu quả” - Tú cho biết.
Có lẽ, chính sự khiêm tốn, tinh thần ham học hỏi, hết lòng vì công việc, cộng đồng đã giúp Tú gặt hái được thành công trong sự nghiệp. Anh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phân tích, xử lý thông tin dịch tễ góp phần khoanh vùng dập dịch Covid-19; Trung ương Đoàn trao tặng anh Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi năm 2020”; Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tặng Bằng khen thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.