Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tấm gương phi thường

Phạm Huệ Linh (KTT Bộ Tư lệnh Công binh)| 15/06/2014 05:02

Wilma Rudolph sinh năm 1940 trong một gia đình rất nghèo. Cô sống cùng bố mẹ và các anh chị em trong một túp lều tại cánh rừng nguyên sinh ở Tennessee, Mỹ.



Cô là đứa trẻ thứ 20 trong số 22 người con, bị sinh non và yếu ớt. Khi lên 4 tuổi, cô bé đã bị viêm phổi cộng với cảm nóng, cả hai chứng bệnh kết hợp lại khiến cô bị liệt một bên chân và phải mang dụng cụ chỉnh hình. Nhưng cô bé lại may mắn có được một người mẹ tuyệt vời.


Người mẹ ấy nói với cô gái nhỏ rằng, mặc dù yếu ớt và bệnh tật nhưng cô bé có thể làm bất cứ điều gì cô muốn. Tất cả những điều cô cần là có niềm tin, sự dẻo dai và một tinh thần bất khuất.

Nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình và ý chí của bản thân, khi 9 tuổi, cô bé đã bỏ dụng cụ chỉnh hình và tập đi những bước bình thường, dù trước đó các bác sĩ nói rằng có thể cô sẽ không bao giờ làm được điều đó. Trong 4 năm, cô bé đã tiến những bước dài và nảy ý tưởng không thể tin nổi, đó là muốn trở thành vận động viên điền kinh vĩ đại nhất thế giới.

Khi 13 tuổi, cô bé tham dự các cuộc chạy ở trường và trong tất cả các cuộc đua cô đều về cuối. Mọi người muốn cô từ bỏ các cuộc đua nhưng cô không bỏ qua. Một lần, cô về đích trước một người. Và rồi đến một ngày, cô về đích đầu tiên. Từ đó, Wilma luôn giành chiến thắng trong tất cả các cuộc đua mà cô tham dự. Wilma tham dự Thế vận hội lần đầu tiên khi mới 16 tuổi và còn là học sinh trung học. Tại Olympic Melbourne 1956, Wilma là vận động viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn thể thao của Mỹ, và cô đã giành được huy chương đồng ở nội dung chạy tiếp sức.

Năm 1957, Wilma lên đại học và tham gia đội điền kinh nữ của Đại học Tennessee dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Ed Temple. Huấn luyện viên này đã nhìn thấy tinh thần bất khuất ở cô bé và tin rằng cô bé có một tài năng thiên bẩm vĩ đại. Ông đã huấn luyện cô thành công. Năm 1960, Wilma Rudolph tham dự Olympic Rome và đoạt 2 huy chương vàng cá nhân ở nội dung 100 mét và 200 mét; lập kỷ lục Olympic mới cho nội dung 200 mét. Wilma cũng góp công lớn trong việc đoạt chiếc huy chương vàng nội dung 400 mét tiếp sức và lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung này. Ba chiếc huy chương vàng đã đưa Wilma đến danh hiệu vận động viên xuất sắc nhất Olympic Rome, được báo chí gọi là "người phụ nữ nhanh nhất thế giới".

Từ một cô bé yếu ớt và bệnh tật, nhờ sự khổ luyện và ý chí kiên cường, Wilma Rudolph đã trở thành một vận động viên xuất sắc. Cô là một tấm gương lớn cho mọi người noi theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tấm gương phi thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.