(HNMO) - Tại phiên họp thứ 43 diễn ra ở thủ đô Baku (Azerbaijan) từ ngày 30-6 đến 10-7, UNESCO đã công nhận thêm tám di sản thế giới thuộc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Công viên quốc gia Vatnajökull là vùng núi lửa có diện tích 1,4 triệu ha, chiếm gần 14% diện tích lãnh thổ Iceland, gồm 10 núi lửa trung tâm, trong đó có 8 núi lửa nằm dưới mặt băng. Sự tác động lẫn nhau giữa các núi lửa và các khe nứt tạo ra những đồng bằng độc nhất, hệ thống sông, nhiều hẻm núi, các đồng bằng dung nham và quần thể động vật. Ảnh: Getty Images
Vùng đất và biển phương Nam (Pháp) rộng 67 triệu ha, được miêu tả như ốc đảo nằm giữa Nam Đại Dương, là nơi sinh sống của nhiều loài chim và động vật biển có vú, đặc biệt là quần thể cánh cụt vua và hải âu mỏ vàng với số lượng lớn nhất thế giới. Do nằm ở vị trí tách biệt, khu vực này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và là nơi phục vụ nhiều thí nghiệm khoa học quan trọng. Ảnh: Getty Images
Thành phố Jaipur thuộc bang Rajasthan (Ấn Độ) hình thành từ năm 1727 Công Nguyên, dưới triều đại của Vua Sawai Jai Singh đệ Nhị. Còn được biết đến với tên gọi "Thành phố màu hồng", Jaipur được UNESCO vinh danh là di sản thế giới nhờ những giá trị quy hoạch và kiến trúc nổi bật mang đậm dấu ấn giao thoa giai đoạn cuối Trung cổ. Thành phố này đồng thời là minh chứng rõ rệt về một trung tâm giao thương và kinh tế ở Nam Á với những nghề thủ công truyền thống được Ấn Độ và thế giới công nhận. Ảnh: Getty Images
Sau rất nhiều nỗ lực vận động hành lang của Iraq kể từ năm 1983, Babylon đã được UNESCO chính thức công nhận là di sản thế giới ngày 5-7 vừa qua. Babylon trải dài trên sông Euphrates, cách thủ đô Baghdad 100km về phía Nam, nổi tiếng với Vườn treo Babylon, là một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Trải qua nhiều biến động của đất nước, thành phố 4.000 năm tuổi đông dân nhất lịch sử cổ đại đang trong quá trình phục dựng. Ảnh: Reuters
UNESCO công nhận Bagan là di sản thế giới ngày 6-7. Cố đô của Myanmar là điểm du lịch nổi tiếng với hơn 3.500 ngọn tháp, đền, tu viện và nhiều công trình nổi bật khác được xây dựng từ thế kỷ XI đến XIII. Năm 2016, trận động đất mạnh 6,8 độ richter đã làm hư hại gần 200 ngôi đền tại thành phố này. Ảnh: Getty Images
Cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiengkhuang (Lào) là địa điểm khảo cổ vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn. Các nhà khảo cổ học cho rằng những chum đá cỡ lớn tại đây được sử dụng trong nghi thức tang lễ thời kỳ đồ sắt. Theo UNESCO, cánh đồng 2.100 chum đá, nhiều đĩa đá, bia mộ và mỏ đá có niên đại từ năm 500 trước Công Nguyên đến năm 500 Công Nguyên. Ảnh: Getty Images
Thành phố Paraty và Ilha Grande nằm giữa dãy núi Serra da Bocaina và Đại Tây Dương. Đây là một trong những thành phố ven biển được bảo tồn tốt nhất Brazil, đồng thời là một trong năm khu vực đa dạng sinh học quan trọng nhất thế giới. Thành phố có bốn khu vực bảo tồn thiên nhiên thuộc rừng nhiệt đới Atlantic, nơi sinh sống của nhiều động vật quý hiếm như báo đốm châu Mỹ, lợn cỏ môi trắng, khỉ nhện... Ảnh: Iphan/UNESCO
Khu vực luyện kim cổ thuộc Burkina Faso gồm 15 lò và nhiều công trình luyện kim, cùng các hầm mỏ và vết tích cư ngụ. Douroula có niên đại từ thế kỷ thứ VIII trước Công Nguyên, là bằng chứng lâu đời nhất về sự phát triển của nghề luyện kim tại quốc gia Tây Phi. Dù nghề khai thác quặng sắt không còn phổ biến, những thợ rèn vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại công cụ và tham gia vào những nghi lễ truyền thống. Ảnh: DSCPM/MCAT/UNESCO
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.