(HNM) - 23h30 tối qua, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, khoảng 22h tối 16-9, tâm bão số 3 (tên quốc tế là Kalmaegi) đã đi vào địa phận tỉnh Quảng Ninh.
Do ảnh hưởng của bão, ở đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) đã có gió giật cấp 12, đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật cấp 11; ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) gió giật cấp 13; ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn có gió giật mạnh cấp 9 - 10, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương có gió giật cấp 6 - 8. Ở các tỉnh Đông bắc Bắc bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50 - 70mm, riêng đảo Cô Tô 161mm.
Khu vực Đồ Sơn (Hải Phòng) gió mạnh làm đổ nhiều cây xanh. Ảnh: Lê Hiếu |
Do ảnh hưởng của bão số 3, chiều và đêm 16-9, mưa lớn đã bao phủ các tỉnh phía Bắc. Vùng trọng tâm mưa là Đông Bắc bộ và Đồng bằng Bắc bộ, Trung du phía Bắc lượng mưa từ 200 đến 300mm, một số nơi có thể trên 300mm.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, ngày 16-9, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với cơn bão số 3 tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đến chiều 16-9, các địa phương trong tỉnh đã sơ tán 10.735 người dân tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, nhà yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở… tới nơi tránh trú bão an toàn. Toàn bộ tàu thuyền du lịch, tàu cá xa bờ, gần bờ của tỉnh cũng đã về nơi neo đậu an toàn… Còn tại Hải Phòng, đã huy động hơn 39.000 người, 320 xe ô tô các loại, 44 tàu xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp và nhiều lương thực, thực phẩm cần thiết khác để phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão. Các địa phương như quận Đồ Sơn, huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Cát Hải, Bạch Long Vỹ... đã yêu cầu nhân dân chủ động phòng tránh bão. Theo Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng thành phố Hải Phòng, trong ngày 16-9 đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho gần 3.900 phương tiện với gần 14.500 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh; tổ chức sơ tán và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn về người ở các khu vực nguy hiểm cho hơn 13.400 người (bao gồm trên phương tiện và các khu vực xung yếu)…
* Ngày 16-9, các đoàn công tác Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP Hà Nội đã đi kiểm tra công tác đối phó với bão số 3 tại một số huyện. Theo báo cáo nhanh, các huyện, thị xã ngoại thành đã lên phương án sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ quyét, lũ rừng ngang, nước dâng cao ở vùng ven sông, ven suối bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; tổ chức thường trực, ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố hồ đập, đê điều, công trình thủy lợi. Trong ngày 16-9, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã mở các cống tiêu kiệt nước đệm trên hệ thống thủy lợi; đồng thời sẵn sàng vận hàng gần 1.700 máy bơm tiêu úng bảo vệ lúa mùa, hoa màu và thủy sản. Với các hồ chứa như Suối Hai, Mèo Gù, Quan Sơn, Đồng Mô, Tân Xã, Xuân Khanh… mực nước đều ở ngưỡng tràn hoặc dưới mực nước thiết kế. Tính đến chiều cùng ngày, trong tổng số hơn 100.000ha lúa mùa, các địa phương đã thu hoạch được 2.250ha. Trong trường hợp mưa lớn kéo dài, nhiều diện tích lúa đến độ thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng, do vậy các địa phương đã chủ động hiệp đồng với các đơn vị bộ đội và thanh niên giúp dân thu hoạch lúa mùa khi cần thiết.
Thị sát công tác đối phó với bão số 3 tại huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đánh giá cao sự chủ động của chủ đầu tư, khi nhận được thông tin về cơn bão đã huy động nhiều phương tiện, máy móc đắp nâng cao đê sông Bùi tại xã Thủy Xuân Tiên khoảng 300m để đủ cao trình chống lũ, bảo vệ hàng nghìn héc ta lúa mùa chuẩn bị thu hoạch. Kiểm tra hồ Đồng Sương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy và chính quyền địa phương nhắc nhở nhân dân không lội qua tràn đập Đồng Sương trong mưa lũ. Tại công trình xử lý cấp bách sạt lở đê hữu Đáy đoạn từ xóm 6 đến hết xóm 8, Phó chủ tịch yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công triển khai các phương án bảo đảm an toàn vật tư, phương tiện, trang thiết bị, máy móc, tạm dừng thi công.
Nhận định cơn bão số 3 gián tiếp gây mưa lớn trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Chương Mỹ theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm bốn tại chỗ để bảo đảm xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra; chuẩn bị phương án sơ tán, bảo đảm an toàn về người, tài sản; đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa… Các sở, ngành, đơn vị cần tăng cường kết nối thông tin, liên lạc với các địa phương bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, tổ chức khắc phục nhanh nhất sự cố có thể xảy ra đối với công trình đê điều, thủy lợi ngay từ giờ đầu trong mưa lũ, giảm tối đa thiệt hại... Trong mưa lũ, những vấn đề vượt khả năng của địa phương, báo cáo thành phố chi viện…
Thoát nước, cây xanh lo chống bão Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã yêu cầu các xí nghiệp theo dõi diễn biến cơn bão, thực hiện ứng trực 100% quân số tại các trọng điểm ngập theo phương án thoát nước mùa mưa. Xí nghiệp Cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở và các đơn vị quản lý địa bàn hạ mực nước hồ điều hòa Yên Sở, các hồ nội thành, kênh, mương dẫn; đồng thời thanh thải dòng chảy, tháo dỡ vật cản, thu dọn phương tiện, thiết bị đang thi công trên các tuyến mương, sông để sẵn sàng tiêu thoát nước khi mưa lớn. Thiết lập đường dây liên lạc giữa công ty với các xí nghiệp và chế độ báo cáo thường xuyên. * Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội đã yêu cầu các xí nghiệp tập kết phương tiện, thiết bị, tổ chức trực chống bão, sẵn sàng xử lý sự cố gãy, đổ cây trên địa bàn được phân công. Từ chiều 16-9, Công ty Công viên Cây xanh đã cử lực lượng rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh thành phố, cắt tỉa cành nguy hiểm, cây nặng tán nhiều khả năng gãy, đổ. Y Linh Hà Nội mưa to, học sinh có thể được nghỉ học * Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết khả năng xảy ra ngập lụt cục bộ tại khu vực nội thành Hà Nội trong cơn bão số 3 là rất lớn. Đặc biệt, từ 2 đến 8h sáng 17-9, nội thành Hà Nội sẽ xảy ra mưa lớn gây ngập úng cục bộ. Khu vực ngoại thành cũng có gió giật cấp 8, cấp 9, mưa lớn với lượng từ 100 đến 130mm và có khả năng xảy ra ngập úng. * Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cán bộ giáo viên, HSSV, chiều 16-9, Sở GD-ĐT có văn bản yêu cầu các nhà trường trên địa bàn dừng ngay các hoạt động sinh hoạt ngoài trời. Căn cứ vào tình hình thời tiết khi cơn bão đổ bộ, hiệu trưởng chủ động thông báo tới phụ huynh, học sinh, sinh viên về việc nghỉ học (nếu thấy cần thiết). Tuy nhiên, các trường phải bố trí lực lượng quản lý những học sinh vẫn đi học và cử người trực để giải quyết trong trường hợp có tình huống bất thường xảy ra. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.