(HNM) - Chiều tối ngày 26-8 (giờ địa phương), một vụ tấn công đã xảy ra bên ngoài sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan khiến 13 binh sĩ Mỹ và 60 người Afghanistan thiệt mạng. Sự kiện đau buồn này cho thấy việc củng cố quyền lực của Taliban tại quốc gia Nam Á là một hành trình nhiều khó khăn.
Sự việc xảy ra chỉ ít giờ sau khi Anh phát đi cảnh báo về khả năng xảy ra vụ tấn công quy mô lớn tại Afghanistan. Theo chính quyền Mỹ, vụ tấn công bằng hình thức đánh bom tự sát do các phần tử vũ trang của một nhóm tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành nhằm vào đám đông tụ tập tại sân bay. Để trấn an dư luận, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ đáp trả bằng vũ lực, cam kết tiếp tục tiến hành hoạt động giải cứu công dân của Mỹ cũng như các đồng minh Afghanistan còn mắc kẹt.
Theo truyền thông quốc tế, vụ tấn công này làm suy giảm uy tín chính trị của lực lượng Taliban, khi xới lên mối nghi ngại về năng lực bảo đảm an ninh và ổn định tại Kabul. Lo lắng cho công dân của nước mình, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh, Israel... đều kịch liệt lên án những kẻ tấn công và bày tỏ quan ngại đối với các hoạt động di tản đang diễn ra.
Dư luận từ vụ tấn công kết hợp với hàng loạt chỉ trích về việc chưa bảo đảm được an toàn cho phụ nữ, trẻ em cũng như những yếu tố cơ bản của quyền con người trong những ngày gần đây càng khiến hình ảnh của lực lượng Taliban trên trường quốc tế bị tổn hại. Tới nay, vẫn chưa chính phủ nước ngoài nào lên tiếng công nhận Taliban là nhà nước chính thức, dù không ít quốc gia vẫn duy trì hoạt động Đại sứ quán của mình tại Afghanistan.
Ở phương diện tài chính, Taliban cũng lâm vào "ngõ cụt". Suốt 20 năm qua, hơn 80% ngân sách của Afganistan đều do Mỹ và các nhà tài trợ quốc tế cung cấp. Việc bù đắp lỗ hổng khổng lồ về tài chính này không dễ, nhất là khi hàng loạt ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế chưa tái thiết lập kênh viện trợ cho Afghanistan.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã "khóa" quyền tiếp cận của Afghanistan đối với các nguồn tài sản, trong khi Mỹ cũng "khóa" tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan với khoảng 9 tỷ USD - do Taliban vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Washington sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Theo các số liệu, Taliban thu được khoảng 1,6 tỷ USD trong năm tài khóa vừa qua nhưng đây là con số quá nhỏ bé so với nhu cầu.
Đáng ngại hơn, Liên hợp quốc còn cảnh báo Afghanistan sẽ rơi vào tình trạng cạn kiệt lương thực từ tháng 9 tới nếu như không được hỗ trợ khẩn cấp. Nếu điều này xảy ra sẽ là "đòn chí tử" đối với nỗ lực khẳng định quyền lực của Taliban. Việc sân bay tại Kabul tạm dừng các chuyến bay thương mại cũng đã gây gián đoạn hoạt động vận chuyển lương thực, cũng như hàng hóa thiết yếu và thiết bị y tế vốn cũng đang khan hiếm tại nước này. Trong khi đó, một số kênh tiếp tế qua đường bộ, chủ yếu do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đảm nhận thì được ví như “muối bỏ bể”.
Theo giới quan sát, những khó khăn mà Taliban đối mặt là dễ hiểu, bởi việc chuyển đổi từ một lực lượng vũ trang tập trung chiến đấu thành một chính phủ đồng nghĩa phát sinh hàng loạt trách nhiệm và yêu cầu mới không dễ dàng. Trong khi đó, lực lượng Taliban tuy đã kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ nhưng tới nay vẫn chưa thành lập được một bộ máy cầm quyền hoàn chỉnh. Hội đồng 12 thành viên dự kiến sẽ điều hành đất nước nhưng hiện mới chỉ xác định được một nửa nhân sự. Trong khi đó, hoạt động phản kháng Taliban vẫn diễn ra ở nhiều khu vực của Afghanistan.
Để góp phần bảo đảm môi trường an ninh cho khu vực và thế giới, lực lượng cầm quyền tại quốc gia Nam Á này cần đặt lợi ích của người dân lên trên hết, bởi đây là tiền đề tạo ra sự ổn định cần thiết cho đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.