Công nghiệp văn hóa

Tái thiết các di sản cho Hà Nội: Cần sự chuyển biến trong sáng tạo

Hoàng Lân 24/11/2023 - 11:39

Hà Nội có nhiều di sản về kiến trúc, văn hóa, đô thị nhưng trong quá trình biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội đã nảy sinh những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Tái tạo lại giá trị các di sản để đóng góp cho việc phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” là vấn đề lớn được đặt ra.

Các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo đã đưa ra những ý tưởng về tái thiết các di sản đô thị nhằm góp sức cho Thủ đô Hà Nội có thể biến các “di sản thành tài sản”.

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính:

Sự sáng tạo cần phải thực hiện xuyên suốt

Thành phố Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo” trong lĩnh vực thiết kế, đó là cách đánh giá mang tính tầm nhìn. UNESCO nhìn nhận thấy những tiềm năng lớn của Hà Nội cũng như năng lực của đội ngũ sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thiết kế.

5(1).jpg
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính.

Rõ ràng, Thủ đô những năm qua có sự thay đổi, phát triển rất mạnh, hình thành nhiều khu đô thị lớn có tính gắn kết với các di sản văn hóa đang có. Hà Nội cũng có lợi thế, là nơi hội tụ được lực lượng đông đảo giới sáng tạo, đó là các nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư, nhà quy hoạch, ngay cả người dân đô thị cũng có tinh thần sáng tạo cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng ấy, để định vị và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” thì Hà Nội cần phải thể hiện rõ tính sáng tạo nhiều hơn nữa. Sự sáng tạo ấy cần phải được thể hiện xuyên suốt ở nhiều thế hệ nghệ sĩ, kiến trúc sư.

Không phủ nhận, có nhiều giai đoạn, hoạt động sáng tạo bị ngưng trệ, thiếu sự đột phá mới. Nhiều không gian sáng tạo được xây dựng nhưng không thể duy trì; thiếu sân chơi cho đội ngũ sáng tạo thỏa sức đam mê…

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đang biến một di sản công nghiệp cũ, với cơ sở hạ tầng đã xuống cấp thành một nơi để sáng tạo, hay ít nhất để giới sáng tạo, nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư, giới âm nhạc… được gặp nhau và tương tác với công chúng. Việc “đánh thức” những không gian di sản công nghiệp như kiểu này là rất cần thiết và có thể sẽ là tiền để để những không gian khác ở Hà Nội tái tạo được một đời sống mới.

Kiến trúc sư Nguyễn Việt Ninh:

Rất cần tái tạo không gian cho các khu tập thể cũ

Trong đời sống đô thị của Hà Nội, những khu tập thể cũ cũng có thể coi là một di sản kiến trúc khi nó gắn với đời sống của người dân ở một thời kỳ.

Ngay cả ở các quốc gia khác, những không gian sống cũ cũng được tái thiết rất cẩn thận và tạo nên một đời sống mới để không phá vỡ đi kiến trúc cũ, lại vẫn việc giải quyết được áp lực của sự phát triển.

Tôi lấy ví dụ ở Nhật Bản, nơi tôi đã có cơ hội được tham khảo, việc cải tạo các khu tập thể cũ được thực hiện rất thận trọng. Ở những khu vực đông dân cư, áp lực về chỗ ở đòi hỏi phải xây dựng là điều thiết yếu.

3(2).jpg
Kiến trúc sư Nguyễn Việt Ninh.

Trước khi tái thiết, người Nhật có đánh giá, khảo sát rất cụ thể và chia làm 3 cấp độ để thực hiện cải tạo. Cấp độ 1 là bảo tồn và giữ nguyên trạng với các giải pháp cải tạo không làm mất đi tính nguyên bản của công trình. Cấp độ 2, tiến hành cải tạo một phần, sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá mức độ xuống cấp và đòi hỏi của người dân đang sống. Cấp độ 3, phá bỏ hoàn toàn.

Hà Nội hiện đang có rất nhiều khu tập thể cũ, đặt ra bài toán về việc cải tạo, xây mới. Tôi cho rằng, trong quá trình cải tạo, tái thiết không gian kiến trúc mới cần phải bảo đảm tôn trọng các yếu tố văn hóa, nếp sống. Người dân phải được thụ hưởng những điều kiện sống tốt và những công trình mới phải được kết nối với các công trình tiện ích xung quanh.

Kiến trúc sư Phạm Thùy Linh:

Tái tạo không gian kiến trúc làng cần định hướng cho người dân

Nói về không gian kiến trúc đô thị của Hà Nội không thể không nói đến kiến trúc làng. Đây là những không gian vừa mang tính văn hóa vừa có yếu tố sáng tạo, biến đổi.

5(2).jpg
Kiến trúc sư Phạm Thùy Linh.

Hà Nội có diện tích nông nghiệp rất lớn. Trước áp lực đô thị hóa, tình trạng “làng trong phố”, “phố trong làng” đang trở nên phổ biến, bởi đó là nhu cầu tất yếu.

Không gian kiến trúc làng thay đổi ra sao, người dân là chủ thể có vai trò quyết định quan trọng, vì họ có quyền thay đổi, xây dựng theo mong muốn và sở thích. Đôi khi, không phải sự sáng tạo nào trong kiến trúc cũng là phù hợp. Có những công trình “sáng tạo” theo kiểu duy ý chí, chỉ đơn thuần là bắt chước có thể làm mất đi bản sắc, thậm chí sẽ làm xấu đi làng quê, phá vỡ cảnh quan đô thị.

Việc người dân bị ảnh hưởng bởi những trào lưu kiến trúc, rồi làm nhà, cải tạo nhà theo sở thích đang xảy ra trong thực tế. Ở đây, vai trò của chính quyền rất lớn trong việc định hướng người dân cũng như tạo cơ chế để cho các nhà kiến trúc vào cuộc.

Theo tôi, cơ quan quản lý cần có chính sách, hoạch định quy hoạch có tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn, từ đó có thể tập hợp đội ngũ kiến trúc sư tái thiết những mẫu kiến trúc nông thôn phù hợp với lối sống, văn hóa, con người ở từng vùng; đưa ra những mô hình nhà ở thí điểm ở làng quê cả về kiểu dáng và vật liệu.

Kiến trúc sư Vương Hải Long:

Cần phát huy những “di sản công nghiệp”

Hà Nội có rất nhiều di sản công nghiệp, đó là những nhà máy, công xưởng cũ gắn với một thời lao động sản xuất. Nhiều di sản công nghiệp đã di dời, trở thành tài sản lớn về đất đai và đã được chuyển đổi sử dụng vào những mục đích khác nhau.

2(3).jpg
Kiến trúc sư Vương Hải Long.

Tôi cho rằng, cần phải có tầm nhìn cho những di sản công nghiệp này, để tránh tình trạng những di sản này bị “xóa sổ” hoàn toàn, Hà Nội sẽ mất đi những ký ức sẽ không bao giờ lấy lại được. Áp lực đô thị sẽ kéo theo nhu cầu về tái thiết đô thị, đó là nhu cầu chính đáng.

Tuy nhiên, việc tái thiết những di sản công nghiệp cần được tính toán kỹ, khu vực nào nên được giữ lại và khu vực nào cần được xây dựng mới. Quá trình tái thiết đó, cần phải có không gian dự trữ cho sự sáng tạo, bảo đảm lợi ích cộng đồng và người dân được thụ hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái thiết các di sản cho Hà Nội: Cần sự chuyển biến trong sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.