Đừng cuống lên tìm cách hạ sốt khi trẻ bị ốm, hãy thả lỏng và để cơn sốt làm nhiệm vụ của nó, một nghiên cứu mới vừa cho biết.
Trẻ sốt không phải là điều gì đáng sợ. Ảnh: healtynews.com. |
Đừng cuống lên tìm cách hạ sốt khi trẻ bị ốm, hãy thả lỏng và để cơn sốt làm nhiệm vụ của nó, một nghiên cứu mới vừa cho biết.
Đa số các ông bố bà mẹ sẽ hoảng lên nếu sờ thấy trán con ấm bất thường. Và lẽ tự nhiên là họ sẽ căng thẳng tìm mọi cách để dập cơn sốt của bé.
Nhưng theo báo cáo mới đây của Viện Nhi khoa Mỹ, hạ sốt ngay lập tức bằng ibuprofen hoặc acetaminophen không phải là cách tốt nhất.
Lý do: Cơn sốt là cơ chế sinh lý có hiệu quả trong việc chống lại sự nhiễm trùng, vì thế việc hạ sốt có thể lại cản trở quá trình lành bệnh.
Cũng theo báo cáo này, ngay cả khi trẻ bị sốt nhẹ, nhiều bậc phụ huynh đã muốn cho bé dùng thuốc, bởi họ chỉ muốn kim nhiệt kế ở mức bình thường. Thực tế là, không có bằng chứng cho thấy sốt sẽ làm bệnh tình của bé nặng lên, hoặc gây các biến chứng thần kinh dai dẳng.
"Vì thế, mục tiêu cơ bản nhất khi trẻ sốt là làm cho thể trạng bé thật thoải mái, thay vì nhăm nhăm làm mát", báo cáo cho biết.
"Chẳng hạn, nếu em bé một tuổi của bạn bị giật giật tai, trông khó ở và thân nhiệt là 39,5 độ C, bạn sẽ muốn cho bé uống thuốc ngay để bé cảm thấy dễ chịu. Nếu thân nhiệt mới hạ xuống 38,3 độ C nhưng bé đã dễ chịu, thế là ổn. Đừng lo lắng về việc phải hạ nhiệt độ của bé xuống 37 độ C".
"Sau cùng, sốt là bạn của chúng ta", tiến sĩ Sullivan nói. "Thông thường, đó là phản ứng tích cực. Nó làm giảm khả năng phân chia của virus và vi khuẩn trong cơ thể, và kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều bạch cầu - vũ khí chống lại nhiễm trùng".
Dưới đây là những lời khuyên cụ thể của tiến sĩ Sullivan khi trẻ ốm, trên rodale.com:
- Đừng chỉ tập trung vào hiện tượng sốt. Ngay cả khi trẻ không sốt hoặc quấy khóc dễ nhận thấy, thì bé có chơi đùa không? Bé vẫn đang chạy nhảy hay ngủ lịm? Bé có khó thở không? Bé có đau không? Da có ửng đỏ không? Tất cả những đặc điểm này đều là dấu hiệu bé bị ốm, cần điều trị.
- Cảnh giác với sự mất nước: Thân nhiệt tăng cao sẽ thúc đẩy sự mất nước, và bản thân chuyện này đã là một vấn đề. Hãy xem miệng bé có khô không, có đi tiểu ít hơn bình thường không. Nếu bé ói mửa, cần bổ sung nước bù điện giải. Nếu bé không ói, có thể cho bé uống loại nước nào mà bé thích, như nước trắng, nước hoa quả.
- Nếu bé bị một loại bệnh mãn tính, thì sốt lúc đó sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Chẳng hạn, với trẻ bị bệnh tim mạch, sốt có thể khiến tim làm việc khó nhọc hơn. Khi đó, cần phải xin ý kiến bác sĩ ngay.
- Để ý đến những điều nhỏ nhất. Một bé sơ sinh dưới 3 tháng tuổi khi tăng cao quá 38 độ C cần phải gặp bác sĩ ngay. Ở tuổi này, các bé quá nhỏ để uống thuốc, và thân nhiệt có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng hơn.
- Cho bé uống thuốc với liều chính xác. Một phần lớn các ông bố bà mẹ cho trẻ uống thuốc quá liều hoặc không đủ liều, thường là do họ dùng dụng cụ đo không chính xác.
- Để trẻ ngủ. Đừng đánh thức trẻ dậy để cho uống thuốc. Nếu bé ngủ được, nghĩa là bé thấy thoải mái. Bé sẽ cần nghỉ ngơi hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.