(HNMO) - Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đang cảnh giác với bất cứ sự sứt mẻ nào trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ giữa bối cảnh bất ổn ở Trung Đông gia tăng, sẽ không sử dụng dịp tưởng niệm 100 năm vụ thảm sát người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman để tuyên bố về một chương tàn bạo của tội diệt chủng.
Theo phân tích của hãng tin CNN, mặc dù lời hứa của ông Obama trong chiến dịch tranh cử năm 2008 là "công nhận cuộc diệt chủng người Armenia" nhưng hôm qua, 21/4, Nhà Trắng đã ra một tuyên bố khá thận trọng về một cuộc họp chính quyền cấp cao với các nhóm người Armenia, trong đó tránh không dùng thuật ngữ "diệt chủng".
Một quan chức chính phủ cho biết, ông Obama cũng sẽ tránh sử dụng cụm từ “diệt chủng”. Cụm từ này sẽ khiến Ankara, vốn phủ nhận việc đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc diệt chủng, tức giận.
Thông tin này đã khiến các nhóm người Mỹ gốc Armenia thất vọng. Họ đã vận động chính quyền Mỹ sử dụng cụm từ "diệt chủng" để mô tả việc giết hại có hệ thống hơn 1 triệu người Armenia hồi năm 1915. Chủ tịch Ủy ban quốc gia người Armenia của Mỹ đã coi đây là sự “đầu hàng” Thổ Nhĩ Kỳ của ông Obama.
Ngay cả một số đồng minh của Tổng thống Obama cũng chỉ trích quyết định này. Dân biểu California Adam Schiff, người lãnh đạo của đảng Dân chủ tại Ủy ban tình báo Hạ viện, cho biết, ông "thất vọng sâu sắc" về quyết định tránh dùng từ “diệt chủng”.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên có những lời phàn nàn khi các chính phủ nước ngoài mô tả sự kiện lịch sử này mà sử dụng từ diệt chủng.
Tuần trước, Giáo hoàng Francis đã sử dụng cụm từ "diệt chủng" để mô tả về những gì đã xảy ra một thế kỷ trước. Đáp lại, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ tại Tòa Thánh để "tham vấn".
Mỹ đã luôn tránh sử dụng cụm từ "diệt chủng" để mô tả về sự tàn bạo của đế chế Ottoman. Năm 2006, Đại sứ Mỹ tại Armenia được cho là đã bị cách chức vì ông này chủ trương sử dụng cụm từ "diệt chủng" để mô tả về các vụ giết người.
Ông Obama, một thượng nghị sĩ Mỹ vào thời điểm đó, đã chỉ trích việc sa thải vị đại sứ. Hai năm sau đó, khi tranh cử tổng thống, ông tuyên bố rằng ông chia sẻ "với những người Mỹ gốc Armenia - rất nhiều người trong số họ là hậu duệ của những người sống sót trong nạn diệt chủng - một cam kết mang tính nguyên tắc cho việc tưởng niệm và kết thúc nạn diệt chủng".
Nhưng cũng giống như các tổng thống trước ông, thực tế ngoại giao đã can thiệp khi ông nhậm chức. Trong 6 năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama tránh sử dụng cụm từ "diệt chủng" khi đến các dịp tưởng niệm về sự kiện này, đặc biệt là năm nay, khi dịp tưởng niệm 100 năm sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang là một đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố IS.
Nhà Trắng cho biết, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ đại diện cho Mỹ tại các sự kiện tưởng niệm 100 năm ở thủ đô Yerevan của Armenia vào ngày 24/4 tới. Hai quan chức cấp cao khác - Tham mưu trưởng Denis McDonough và Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes - đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Armenia ngày hôm qua để thảo luận về lễ tưởng niệm.
Chính quyền Mỹ cũng đang tham vấn các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về sự kiện này. Nhà Trắng cho biết, trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice đã khuyến khích Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu "thực hiện các bước cụ thể để cải thiện quan hệ với Armenia và tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại cởi mở và thẳng thắn ở Thổ Nhĩ Kỳ về những hành động tàn bạo năm 1915".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.