(HNMO) - Theo một nghiên cứu công bố gần đây, Mỹ là nước có nhiều vụ xả súng hàng loạt nhất trên thế giới. Từ năm 1966-2012, có tới 90 vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ, chiếm gần 2/3 trong số 292 vụ tấn công toàn cầu trong giai đoạn đó. Vậy điều gì nằm sau tất cả những vụ giết người hàng loạt tại quốc gia này?
Vụ xả súng ở Orlando hôm 12/6 đã cướp đi sinh mạng của 50 người. |
Theo một nghiên cứu công bố gần đây, Mỹ là quốc gia có nhiều vụ xả súng hàng loạt nhất trên thế giới.
Từ năm 1966-2012, có tới 90 vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ. Những vụ xả súng hàng loạt này được định nghĩa trong nghiên cứu là có từ 4 nạn nhân trở lên và không kể các vụ thanh toán băng đảng hay các vụ giết người liên quan đến nhiều người trong một gia đình. Trong số đó, vụ ở Orlando là vụ xả súng hàng loạt kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ, cùng với các vụ khác ở Aurora, Colorado, rạp hát và trường tiểu học Sandy Hook tại Newtown, Connecticut, tất cả đều vào năm 2012.
90 vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ chiếm gần 2/3 trong số 292 vụ tấn công toàn cầu trong giai đoạn đó. Trong khi dân số nước Mỹ chỉ chiếm 5% thế giới thì họ đã chiếm tới 31% các vụ xả súng hàng loạt nơi công cộng.
"Mọi người đều có chút ngạc nhiên trước những thống kê này", Adam Lankford, một giáo sư tư pháp hình sự tại Đại học Alabama, người đã thực hiện những phân tích này nói.
Nghiên cứu này đã được ông Lankford trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Xã hội học Mỹ hồi năm ngoái. Ông nói đây là nghiên cứu đầu tiên về thể loại này để so sánh toàn cầu.
Xả súng tại Mỹ khác biệt thế nào?
Ông Lankford đã lùng sục các hồ sơ về các vụ việc và tìm ra một vài yếu tố đặc trưng của xả súng tại Mỹ so với những nơi khác trên thế giới. Tại Mỹ, mọi người có nguy cơ tử vong trong xả súng hàng loạt lớn hơn nếu họ đang ở nơi làm việc hoặc ở trường học. Ở các nước khác, sự việc thường xảy ra gần các căn cứ quân sự.
Trong hơn một nửa các vụ xả súng tại Mỹ, thủ phạm có nhiều hơn một khẩu súng. Còn trong các vụ trên toàn cầu, kẻ xả súng thường chỉ có một khẩu súng.
Tại Mỹ, có trung bình 6,87 nạn nhân/vụ. Tại 171 nước khác mà ông Lankford nghiên cứu, có trung bình 8,8 nạn nhân/vụ. Ông Lankford cho rằng có ít người bị thiệt mạng trong xả súng hàng loạt tại Mỹ hơn bởi cảnh sát Mỹ thường xuyên được huấn luyện để biết cách giải quyết những tình huống như vậy, cho dù nó hiếm xảy ra hơn so với các loại tội phạm khác. "Ở các nước khác, cảnh sát phản ứng chậm hơn và có nhiều khả năng được trang bị không đầy đủ khi phản ứng", ông nói.
Hiện tượng “lây nhiễm”
Điều gì nằm sau tất cả những vụ giết người hàng loạt tại Mỹ?
Nhiều kẻ xả súng tại Mỹ bị tâm thần, theo thống kê trên. Nhưng các nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng con số các trường hợp bị tâm thần ước tính không tăng đáng kể trong khi số vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ lại tăng vọt.
Các vụ tấn công như vậy đã tăng gấp 3 lần từ 2011 đến 2014, theo một phân tích của trường Y tế Harvard và Đại học Northeastern. Nghiên cứu của trường Harvard chỉ ra rằng những vụ tấn công công cộng tại thời điểm đó trung bình cứ 64 ngày lại xảy ra 1 vụ. Trong suốt 29 năm trước đó, trung bình chỉ xảy ra 1 vụ trong vòng 200 ngày.
Một số chuyên gia trong một nghiên cứu khác tin rằng những vụ giết người hàng loạt có thể lây lan: Một vụ giết người hay xả súng tăng khả năng xảy ra các vụ khác trong khoảng 2 tuần, "sự lây nhiễm" kéo dài khoảng 13 ngày.
Hiện tượng lây nhiễm này diễn ra nhiều tại Mỹ bởi súng đạn tại đây dễ tiếp cận hơn so với nước khác. Mỹ có nhiều súng hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới. Ước tính có khoảng 270 triệu - 310 triệu khẩu súng đang lưu hành tại Mỹ. Với dân số 319 triệu người, tỉ lệ chia ra sẽ là có gần 1 khẩu súng/người tại Mỹ.
Hơn 1/3 người Mỹ nói một ai đó trong nhà họ có súng, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew. Nước có số lượng súng cao tiếp theo là Ấn Độ, với 46 triệu khẩu súng trên khắp đất nước có số dân đông nhất thế giới, hơn 1,25 tỷ người. Nhưng Ấn Độ thậm chí còn không nằm trong top 5 những nước có nhiều vụ xả súng hàng loạt nhất.
Các con số này cho thấy các đạo luật về súng hạn chế hơn tạo ra sự khác biệt. Ông Lankford chỉ ra rằng Australia là một ví dụ. Nước này có 4 vụ xả súng hàng loạt từ năm 1987-1996. Sau các vụ này, dư luận quay lưng với những người sử hữu súng và Quốc hội đã thông qua luật sở hữu súng chặt chẽ hơn. Australia đã không có thêm vụ xả súng hàng loạt nào từ đó đến nay.
Ham muốn nổi tiếng?
Tuy nhiên, có vẻ như nước Mỹ không có ý định chính trị nào tương tự như Australia. Các cuộc điều tra sau các vụ xả súng hàng loạt cho thấy người Mỹ thường ủng hộ sở hữu súng nhiều hơn sau các trường hợp như thế này.
Ông Lankford còn đưa ra một giả thuyết khác mà ông khám phá ra trong nghiên cứu hiện tại: "Thật khó để định lượng nó nhưng tôi đã ấn tượng trước nghiên cứu cho thấy được nổi tiếng là một trong những mục đích quan trọng nhất của thế hệ này. Dường như người Mỹ ngày càng ham muốn nổi tiếng và không có gì nghi ngờ rằng có một mối liên hệ giữa việc được loan tin trong giới truyền thông và khả năng hành động của kẻ phạm tội". Mọi người có thể tìm kiếm sự nổi tiếng khi đại diện cho thánh chiến Hồi giáo chẳng hạn.
"Rõ ràng những kẻ khủng bố muốn nổi tiếng, cho dù đó là vì chính chúng hay vì một động cơ nào khác, chúng ta đã nhìn thấy điều này từ vụ bắt cóc con tin tại Olympic năm 1972. Nếu vụ tấn công Orlando được thúc đẩy bởi ý thức hệ Hồi giáo cực đoan, thì rất có thể thủ phạm là người phản đối người đồng tính và muốn tìm kiếm sự nổi tiếng để khuếch trương quan điểm này của hắn".
Vấn đề là với động cơ này, vụ xả súng Orlando sẽ làm tăng nguy cơ “truyền cảm hứng” cho những kẻ xả súng hàng loạt khác hành động.
"Những kẻ xả súng điên loạn đang tìm kiếm sự nổi tiếng sẽ cố để giết thêm nhiều nạn nhân hơn nữa. Chúng ta đã nhìn thấy điều này gần như biến thành một cuộc cạnh tranh. Có lẽ điều đáng sợ nhất là nếu những kẻ phạm tội có thể giết nhiều người hơn và trở nên nổi tiếng hơn thì những kẻ tiếp theo có thể cố tìm "cách đổi mới" nhằm thu hút sự chú ý".
Chẳng có ai xả súng tại một rạp chiếu phim cho tới vụ Aurora năm 2012. Vậy mà ngay trong năm đó, đã có một nỗ lực tấn công tương tự.
Đã từng có một vụ xả súng tại hộp đêm và một vụ đánh bom ở hộp đêm đồng tính ở London, Anh năm 1999, nhưng không giống như vụ lần này. Mối quan ngại giờ đây là nhiều “kẻ bắt chước” khác sẽ tìm cách thu hút sự chú ý của truyền thông bằng những vụ tương tự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.