Hỏi: Tôi là anh cả trong gia đình có 3 anh chị em, cậu út mới 16 tuổi. Khi bố mẹ chúng tôi qua đời, vì điều kiện nhà cửa chật hẹp, tôi đã đem tài sản của người em út được hưởng từ bố mẹ theo pháp luật để mua nhà cho em tôi và đứng tên chủ sở hữu. Vậy việc làm của tôi có được pháp luật cho phép không?
Nguyễn Huy Hoàng (Hà Nội)
Trả lời:
Điều 61 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định: Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên.
Em của anh mới 16 tuổi là vị thành niên, vì thế sau khi cha mẹ mất, anh sẽ là người giám hộ đương nhiên của người em là vị thành niên. Việc anh dùng tiền của người em mua nhà và đứng tên sở hữu ngôi nhà đó là hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Hợp tình ở chỗ, anh là anh cả, có trách nhiệm chăm nuôi cậu em chưa thành niên, phù hợp với đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Hợp lý bởi lẽ theo Điều 68 BLDS: Người giám hộ đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Ngoài ra, Điều 69 BLDS còn quy định chặt chẽ việc quản lý tài sản của người được giám hộ: Người giám hộ phải quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình. Việc sử dụng, định đoạt tài sản của người được giám hộ chỉ được thực hiện vì lợi ích của người đó. Việc anh là người giám hộ đương nhiên của người em chưa thành niên thì anh có quyền thay mặt em (người được giám hộ) được sử dụng tài sản của người em để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người em, trong đó việc dùng tiền là tài sản của người em chưa thành niên để mua nhà vì cuộc sống, lợi ích của người em út là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, sau khi người em 18 tuổi (đủ tuổi thành niên) thì anh phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho người em theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.