(HNMO) – Sáng 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã đăng đàn giải trình trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến quản lý tài sản, vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trong đó có Vinashin và nhiều vấn đề khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh |
(HNMO) – Sáng 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã đăng đàn giải trình trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến quản lý tài sản, vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trong đó có Vinashin và nhiều vấn đề khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, đến ngày 16/11, Bộ trưởng đã nhận được 20 chất vấn, trong đó có 2 chất vấn không thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ, đã được Bộ chuyển cho các cơ quan chức năng phù hợp và 4 chất vấn Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền trả lời.
Về kiến nghị cử tri gửi kỳ họp thứ 7, Bộ nhận được 83 câu hỏi và đã trả lời đầy đủ.
Trả lời việc thực hiện các chất vấn tại kỳ họp trước, đặc biệt là về quản lý giá, bội chi ngân sách và nợ công, Bộ trưởng cho biết, với quản lý giá, Bộ đã có thông tư về đăng ký, niêm yết và quản lý giá; xây dựng dự thảo nghị định về quản lý giá theo hướng bổ sung chế tài mạnh hơn. Về nợ công và bội chi, xét về các mặt không có khoản nợ nào quá hạn, trong 5-10 năm tới vẫn nằm trong phạm vi phê duyệt và trong ngưỡng an toàn quốc gia. Tuy nhiên, về dài hạn, việc bội chi cũng cần thận trọng hơn, tính toán kỹ. Hiện Chính phủ đang xây dựng chiến lược nợ đến năm 2020, 2030.
Sốt vàng, đô có tác động đến giá cả
Vấn đề quản lý, điều hành giá được đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Thái Nguyên, đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, giá tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do mức độ hội nhập lớn, tác động giá nước ngoài vào trong nước bởi Việt Nam vẫn nhập siêu, trong đó cơ cấu nhiên-nguyên vật liệu chiếm khoảng 75%. Vì vậy, khi giá thế giới tăng đã ảnh hưởng đến giá trong nước.
Về yếu tố trong nước, cũng có nhiều nhân tố tác động đến giá như thiên tai, dịch bệnh, nhu cầu sức mua, thị trường tiền tệ…
Để bình ổn giá, theo Bộ trưởng, giải pháp quan trọng nhất là phải đảm bảo cung-cầu hàng hóa, không để thiếu hàng. Hiện các tỉnh, thành lớn đã thực hiện việc bình ổn giá rấ tốt, thậm chí còn ứng vốn cho DN đầu mối tích trữ hàng hóa phục vụ lễ, tết... Bên cạnh đó, cũng phải nâng cao trách nhiệm địa phương trong việc thanh tra, kiểm soát, kiểm tra việc hình thành giá, đăng ký giá bán… trên địa bàn.
Trả lời đại biểu Vi Trọng Lễ - Phú Thọ về việc quỹ bình ổn giá xăng dầu thành lập chưa đúng quy định của pháp luật, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích, năm 2003, khi có quy định về điều hành giá thì trong đó có quy định Thủ tướng được đề ra các biện pháp tài chính, tiền tệ để điều chỉnh thị trường trong trường hợp cần thiết. Dựa vào quy định này, liên bộ Tài chính – Công thương đã trình Chính phủ ban hành nghị định về kinh doanh xăng dầu và tháng 10/2009 đã thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.
“Trước chúng ta cũng có nhiều giải pháp và loay hoay mãi với giá xăng nhưng điều chỉnh, điều hành rất vất vả. Thế giới điều chỉnh hàng ngày, nếu chúng ta điều hành theo thế giới thì liên tục, thường xuyên phải điều chỉnh giá xăng dầu, điều chỉnh giảm thì không sao nhưng tăng thì rất ảnh hưởng. Chính vì vậy việc lập quỹ bình ổn là để khi giá tăng, chúng ta hạn chế được việc điều chỉnh liên tục, giật cục, cao quá”, Bộ trưởng giải trình.
Bộ trưởng dẫn chứng, tháng 10,11 vừa qua giá xăng dầu thế giới tăng nhưng giá trong nước không tăng chính là nhờ dùng quỹ bình ổn.
“Nếu chúng ta không dùng quỹ bình ổn thì giá xăng phải tăng từ 1.500-2.200 đồng/lít so với giá hiện hành”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu và lập quỹ bình ổn, điều chỉnh thuế giảm thuế xăng dầu chính là để chia sẻ giữa Nhà nước và DN để làm sao đảm bảo bình ổn giá và mang lại lợi ích cao nhất cho người dân. Thực tiễn năm vừa rồi, chúng ta điều hành tương đối ổn định giá xăng dầu.
Lý giải nguyên nhân tại sao khi giá xăng dầu thế giới giảm mà giá trong nước không giảm ngay, Bộ trưởng cho biết, vì khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước chưa tăng ngay nên khi giá xăng dầu quay đầu thì các DN kinh doanh cần thời gian bù phần chưa tăng, sau đó mới có thể giảm giá. Bộ trưởng khẳng định, giá xăng dầu đang được giám sát chặt chẽ và bước đầu thành công.
“Báo cáo của Ban dân nguyện cho rằng quỹ thành lập chưa phù hợp quy định pháp luật nhưng cần thiết. Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ đánh giá lại một lần nữa, lấy ý kiến và nếu cần, có thể sửa Pháp lệnh về giá để đảm bảo cao nhất điều hành xăng dầu ổn định”, Bộ trưởng cho biết.
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Trần Hữu Thế - Phú Yên về hiện tượng sốt vàng, đô thời gian qua, Bộ trưởng thừa nhận, những cơn sốt này đúng là có tác động lớn đến giá cả nói chung cả trực tiếp và gián tiếp. Chính vì vậy, Chính phủ đã tác động bằng các giải pháp như cho nhập vàng, đưa đôla ra thị trường, tăng lãi suất…
Bộ trưởng cho biết, lãi suất và tỷ giá đã được điều hành theo cơ chế thị trường và cũng đã có dự báo từ đầu năm, có những chỉ tiêu giới hạn trong điều hành. Tới đây, Chính phủ sẽ nâng cao công tác dự báo hơn nữa để có thể chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành thị trường vàng và ngoại tệ.
Cùng tham gia trả lời chất vấn về điều hành giá vàng, đôla, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, giá vàng năm nay có diễn biến bất thường, đặc biệt giá vàng thế giới những tháng gần đây diễn biến rất phức tạp nên đã tác động đến giá trong nước.
“Nguyên nhân chủ yếu là các nước có nền kinh tế lớn gần đây điều chỉnh 1 số chính sách kinh tế và các nhà đầu cơ vàng đang quyết liệt đầu cơ. Dù Việt Nam không sản xuất và xuất khẩu vàng nhưng gần đây hoạt động kinh doanh vàng phát triển nhanh và đã xuất hiện dấu hiệu đầu cơ”, Thống đốc nói.
Thống kê từ Cục hải quan và Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 12 năm qua, Việt Nam nhập 339,8 tấn vàng, xuất 268,8 tấn vàng. Như vậy, số lượng nhập lớn hơn xuất là 74 tấn.
Theo Thống đốc, hoạt động vàng ở nước ta tăng trưởng mạnh từ năm 2003 trở lại đây, trong đó hoạt động mạnh và có biểu hiện đầu cơ là từ năm 2009, 2010. Để xử lý tình hình, bên cạnh giải pháp xử lý tình thế là đánh vào tâm lý, cho phép nhập vàng để tạo tâm lý ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh chính sách về quản lý vàng, đồng thời đang xây dựng đề án hoàn chỉnh xử lý thị trường vàng.
“Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là ủng hộ việc khai thác vàng trong xã hội để đưa trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, tăng giá trị mới cho xã hội”, Thống đốc nói.
Về thị trường ngoại tệ, theo Thống đốc, xuất phát từ nhập siêu đã tác động khá toàn diện đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Năm 2009, mặc dù có nhiều giải pháp cố gắng nhưng cán cân tổng thể vẫn bị thâm hụt 8,8 tỷ đôla. Năm 2010, với những biện pháp quyết liệt từ đầu năm, dự báo thâm hụt khoảng 2 tỷ đôla.
Thống đốc cho rằng, để ổn định thị trường, chúng ta phải kiên quyết kiểm soát nhập siêu tốt, muốn vậy cần phải xem lại chinh sách tài khóa, tiền tệ, tác động giảm cầu thì mới có thể giảm nhập siêu, đồng thời tăng sản xuất với công nghiệp phụ trợ.
Thống đốc cũng cho biết, để kiểm soát thị trường ngoại tệ tự do, tránh việc đẩy giá ngoại tệ quá cao so với giá chính thức, Ngân hàng đã có đề án xin Chính phủ cho phép thực hiện một số chủ trương và đang triển khai.
Hơn 104.000 tỷ đồng tài sản của Vinashin không mất hết
Vinashin và việc quản lý vốn Nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có thể coi là nội dung “tâm điểm” của phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính. Riêng vấn đề của Vinashin đã có tới 7 đại biểu chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Loan – Hà Nội về tỷ lệ vốn mà các tập đoàn, tổng công ty được đầu tư ra ngoài, Bộ trưởng cho biết, nghị định 09 về quản lý tài chính tại các tập đoàn quy định doanh nghiệp không được đầu tư quá 30% tổng tài sản vào những lĩnh vực không phải sản xuất chính nhưng phục vụ cho sản xuất chính. Riêng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm thì mỗi tập đoàn chỉ được đầu tư vào 1 doanh nghiệp với mức vốn góp không quá 20% vốn điều lệ. Nếu có đầu tư vượt quá, các tập đoàn phải điều chỉnh và rút vốn về.
Với Vinashin, lúc mới thành lập, Công ty có vốn khoảng 100 tỷ đồng. Đến năm 2006, Vinashin được chuyển thành tổng công ty, tập đoàn thì vốn là 2.174 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, đây là tập đoàn sản xuất công nghiệp tàu thủy nên lãi nhỏ, không lớn, nguồn bổ sung lợi nhuận sau thuế hàng năm vào vốn điều lệ cũng không lớn, việc cổ phần hóa cũng chưa thực hiện được nhiều nên nguồn để lại cũng không nhiều. Khi phát hiện sai phạm tại tập đoàn, Chính phủ đã thành lập tổ tái cơ cấu DN, yêu cầu Vinashin sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đó xác định lại vốn và có sự bổ sung vốn cho tập đoàn theo quy định pháp luật.
Trước chất vấn của nhiều đại biểu về sự hao hụt, mất mát tài sản Nhà nước tại Vinashin, Bộ trưởng khẳng định, tổng tài sản Vinashin thực tế theo báo cáo đến 30/6/2009 là hơn 104.000 tỷ đồng, trong đó nợ 86.000 tỷ đồng. Số nợ này nằm trong tài sản và đã hình thành nên các dự án, nhà máy, trong đó có 28 nhà máy hoạt động tốt.
“Số tài sản đó không mất hết nhưng để xác định mất bao nhiêu thì phải đánh giá. Hiện chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán xác định giá trị thực của tài sản thì mới có thể biết giá trị còn lại là bao nhiêu”, Bộ trưởng nói.
“104.000 tỷ đồng không mất hết, chắc chắn không mất hết”, Bộ trưởng khẳng định.
Về việc Vinashin được vay nhiều vốn và sử dụng vốn tràn lan, không hiệu quả trong chất vấn của đại biểu Ngô Minh Hồng- TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng khẳng định, pháp luật cho phép các công ty Nhà nước được huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu, vay vốn các tổ chức khác… theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả nên Bộ không phải là người duyệt phương án sản xuất, đầu tư và việc quyết định cụ thể đầu tư vay vốn cũng không thuộc thẩm quyền Bộ.
“Về chính sách cơ chế chung nếu Bộ Tài chính tham mưu ban hành sai thì Bộ chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian từ năm 2007-2010, Vinashin hoạt động, Bộ Tài chính đã có 4 cuộc kiểm tra định kỳ, 1 cuộc kiểm tra đột xuất. Qua đó, đã phát hiện Vinashin có một số sai phạm, trong đó có việc dùng vốn vay từ nguồn trái phiếu Chính phủ chưa đúng cam kết ban đầu. Bộ đã yêu cầu Vinashin khắc phục, đồng thời báo cáo Chính phủ. Thực tế, có việc tập đoàn xử lý nhưng cũng có việc chưa thực hiện nghiêm túc hoặc dần triển khai thực hiện nhưng chưa triệt để. Thủ tướng và Thường trực Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo Vinashin sắp xếp lại sản xuất, cắt giảm các dự án đầu tư. Đến năm 2010, tình hình DN có chuyển động nhưng chưa mạnh mẽ, Thủ tướng đã quyết định tái cơ cấu Vinashin, bàn giao 1 số dự án cho các tập đoàn khác thực hiện.
Từ vụ việc Vinashin, Bộ trưởng cho rằng, bài học rút ra là tăng cường triển khai, giám sát, xử lý triệt để, mạnh mẽ hơn khi phát hiện vi phạm.
“Đúng là quy định về thanh tra của chúng ta có bất cập là khi phát hiện sai phạm thì chưa có chế tài bắt buộc DN thực thi những kiến nghị đó. Sắp tới đây chúng tôi sẽ rà soát đề nghị sửa đổi”, Bộ trưởng nói.
Cũng liên quan đến nội dung quản lý, giám sát các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng nhất trí, phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước để rút vốn về đầu tư cho những lĩnh vực quan trọng và đổi mới hơn nữa phương thức quản lý doanh nghiệp. Chúng ta để doanh nghiệp phát triển theo kinh tế thị trường, có sự quản lý Nhà nước nên cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, HĐQT, TGĐ doanh nghiệp; xác định rõ về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn của doanh nghiệp; xác định có những việc phải báo cáo lên trên, chứ không thể giao toàn quyền cho doanh nghiệp, như vậy dễ phát sinh tiêu cực. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát từ trong nội bộ và từ trên xuống.
Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời nhiều nội dung khác về việc ban hành thuế với xe ben 24 chỗ; việc giải quyết các công trình chậm tiến độ do thiếu vốn; việc phân bổ vốn cho nông nghiệp thấp…
Đáng chú ý, về việc các công trình chậm tiến độ do phân bổ vốn, Bộ trưởng khẳng định, mấy năm trở lại đây, qua kiểm tra thì đa phần vốn cho các dự án, công trình tương đối sẵn nhưng do các quy trình thủ tục về giải ngân, GPMB… kéo dài nên thực hiện chậm tiến độ, chứ không phải nguyên nhân chính là thiếu vốn.
Không có chuyện chi hơn 90.000 tỷ đồng cho Đại lễ Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là một lễ hội lớn của dân tộc nên đã có Ban chỉ đạo Nhà nước lập chương trình tổng thể, phân công nhiệm vụ từng bộ, ngành, địa phương. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.