Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tài năng trẻ sân khấu tuồng, chèo: Quyết "sống, chết" với nghề!

TUYETMINH| 08/10/2007 18:05

Các thí sinh đoạt giải ACuộc thi Tài năng trẻ tuồng, chèo toàn quốc 2007 đã khép lại bằng buổi bế mạc, trao giải khá buồn tẻ tối qua (7/10) tại nhà hát 3/2 thành phố Nam Định.


Với 26 diễn viên tuồng và 37 thí sinh dự thi bộ môn chèo đến từ 16 đoàn nghệ thuật trong cả nước, ban tổ chức đã chọn ra được 8 thí sinh xuất sắc nhất để trao giải A gồm: Trần Ngọc Hùng (nhà hát chèo Nam Định); Thúy Hạnh, Lê Thị Bích (nhà hát chèo Việt Nam), Nguyễn Thị Hoa (nhà hát chèo Thái Bình) và 4 thí sinh tham gia dự thi bộ môn tuồng là Ngọc Nhân (nhà hát tuồng Đào Tấn), Hiền Trang, Phạm Thị Thanh (nhà hát tuồng Trung ương) Bích Phượng (nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh).

Ngoài ra, ban tổ chức còn rao 22 giải B và 13 giải C cho các diễn viên khác. Ngay sau khi kết thúc lễ trao giải, phóng viên VnMedia đã có cuộc phỏng vấn chớp nhoáng 3 tài năng trẻ nổi bật nhất, đó là Lê Thị Bích, Trần Ngọc Hùng và Ngọc Nhân.

Lê Thị Bích: Vui vì đã được đồng nghiệp công nhận

Được đánh giá là thí sinh xuất sắc nhất trong 8 diễn viên của nhà hát chèo Việt Nam tham gia cuộc thi lần này, Lê Thị Bích (sinh năm 1977) rất vui vì vai Đào Huế của mình đã thành công, trở thành một trong những vai “mẫu” chuẩn nhất so với các thí sinh tham dự bộ môn chèo.

- Điều gì khiến bạn vui nhất khi đoạt giải tài năng trẻ?

Được giải cao nhất tất nhiên ai cũng vui, thế nhưng với mình điều quan trọng hơn cả là qua cuộc thi này, mình đã khẳng định được tài năng trước các bạn nghề trong “làng chèo” Việt Nam.

- Có khá nhiều thí sinh đóng cái vai mẫu cũng rất hay nhưng chưa đoạt giải, Bích có nghĩ rằng mình là người hát hay, diễn giỏi nhất cuộc thi này không hay còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nữa?

Việc thẩm định giọng hát và phong cách biểu diễn là việc của ban giám khảo, mình nghĩ nhiều bạn hát hay, diễn giỏi nhưng có lẽ thiếu cái duyên hoặc một chút may mắn chẳng hạn.

- Theo Bích, điều gì quan trọng nhất khi thể hiện vai diễn của mình để đạt được thành công?

Cũng giống như bên ca nhạc, việc chọn nhân vật phù hợp với giọng hát và những trích đoạn thể hiện đầy đủ nhất của khả năng diễn xuất của mình là điều rất quan trọng. Mình đã chọn vai Đào Huế đúng sở trường và hợp chất giọng nên đã thành công.


                           Ngọc Bích (áo tím) cùng các diễn viên trong trích đoạn Tuần Ty, Đào Huế

Trần Ngọc Hùng: Dù thế nào thì cũng sẽ vẫn ở Nam Định

Là diễn viên nam duy nhất “làng chèo” đoạt giải Tài năng trẻ lần này, Trần Ngọc Hùng (sinh năm 1974) điển hình cho phong cách diễn mẫu mực của Chèo. Vai diễn Lương Thế Vinh của anh vừa sáng sân khấu, vừa nhuyễn vũ đạo lại rất ngọt bởi giọng hát. Anh cũng là người có số điểm cao nhất, điểm tuyệt đối của ban giám khảo.

- Sau khi thi xong, anh có hài lòng về vai diễn của mình không?

Mình rất hài lòng. Công bằng mà nói, năm nay ít “kép” chèo nổi bật, mình lại thi vào những buổi cuối nên đã xem các bạn đồng nghiệp thi trước và cũng rút được nhiều kinh nghiệm, đó cũng là điều kiện thuận lợi. Sau khi diễn xong, mình thấy các bạn “kháo nhau” rằng ban giám khảo cho mình điểm rất cao, lúc đó chưa dám chắc 100% giải nhất nhưng mình cũng vẫn rất hy vọng sẽ có một kết quả tốt đẹp.

- Là thí sinh “chủ nhà”, anh có thấy mình có nhiều lợi thế hơn các thí sinh khác?

Lợi thế thì đúng là hơn thật, đó là việc các đồng nghiệp trong đoàn cũng như khán giả Nam Định cổ vũ nhiệt liệt. Điều ấy vô cùng quan trọng, cũng giống như khi đi diễn, nếu khán giả liên tục vỗ tay thì diễn viên sẽ diễn rất “sung”. Ngoài lợi thế khán giả thì Hùng cũng như các bạn khác, không có bất cứ sự “ưu ái” nào cả. Rất công bằng và khách quan!

- Nhiều nghệ sỹ “tỉnh lẻ” sau khi đoạt giải Tài năng trẻ thường chuyển về Thủ đô để thuận lợi hơn trong việc phát triển nghề nghiệp. Hùng thì sao?

Mình thì khác đấy vì đã có gia đình rồi, “bà xã” lại làm giáo viên ở Nam Định. Cho dù các thày trên Hà Nội gọi Hùng về đoàn thì mình cũng phải từ chối thôi. Các cụ đã bảo rồi “Ông sư thì có thể đi được chứ cái chùa thì không thể di chuyển được”. Với lại, mình cũng rất yêu mảnh đất này nên sẽ gắn bó suốt đời với nó.

Ngọc Nhân: Quyết "sống, chết" với nghề


Ngọc Nhân là diễn viên xuất sắc của nhà hát tuồng Đào Tấn. Anh từng đóng rất nhiều vai diễn và góp phần làm giàu thêm truyền thống của nhà hát khá nổi tiếng trong các “chiếng tuồng” này. Mặc dù hiện nay, nhiều nhà hát tuồng rơi vào tình trạng… rơi tự do khi không có diễn viên giỏi và khán giả thì cũng chẳng mặn mà với tuồng thì nhà hát tuồng Đào Tấn vẫn liên tục có xuất diễn và có một đội ngũ diễn viên giỏi và say nghề.

Ngọc Nhân tâm sự rằng anh đã tập vai Chu Du rất miệt mài và đổ không ít mồ hồi. Đối với tuồng cổ, để hoàn thành một vai diễn, người nghệ sỹ phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, công sức và đôi khi cả… máu. Nhiều diễn viên khi luyện vũ đạo đã ngã gãy tay, gãy chân là chuyện bình thường. Trong các vai diễn cổ mà diễn viên phải đi “hia” thì việc di chuyển bình thường trên sân khấu đã là khó, các vai võ tướng như Chu Du còn vất vả gấp trăm lần.


Ngay việc giữ thăng bằng trên những đôi hia có chiều cao gần 20cm, đế cứng và mũi con như mũi thuyền đã là cả một nghệ thuật mà không phải một sớm một chiều mà thực hiện được. Rất nhiều nghệ sỹ tuồng đã phải bỏ cuộc với những vai diễn như thế, vì vậy, để diễn được vai Chu Du, anh đã phải mất rất nhiều công khổ luyện.

Khi được hỏi về Tuồng trong thời buổi hiện nay, anh nói rằng, cho dù như thế nào thì anh vẫn sẽ theo Tuồng đến cùng, bởi tình yêu nghề xuất phát từ trái tim anh và đó là những điều anh cho là thiêng liêng. Có thể hiện giờ nhiều người quay lưng lại với Tuồng nhưng anh hy vọng và tin tưởng vào sự “phục hưng” của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có Tuồng trong thời gian tới. Và dù cuộc sống của nghệ sỹ Tuồng có khó khăn thì anh cũng sẽ vẫn quyết tâm “sống chết” với nghề. Đơn giản, anh yêu Tuồng như máu thịt của mình vậy.

Theo Ngô Bá Lục (VnMedia)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tài năng trẻ sân khấu tuồng, chèo: Quyết "sống, chết" với nghề!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.