(HNMO) - Nông thôn Việt Nam chiếm diện tích không nhỏ. Lao động làm nghề nông cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu lao động Vịêt Nam. Nhưng bệnh nghề nghiệp (BNN) và tai nạn lao động (TNLĐ) nghề nông đang bị bỏ… gần quên trong tâm trí nhà quản lý và của chính nông dân.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng “Thực chất con số và loại hình tai nạn lao động trong nông nghiệp rất lớn và đa dạng. Đó có thể là việc đứt gãy các chi do các dụng cụ cắt gây ra, cũng có thể là chấn thương do mang vác các vật nặng không đúng cách. Một bệnh khá phổ biến cũng có thể coi như bệnh nghề nghiệp là viêm nhiễm phần phụ do nữ lao động phải dầm nước trong hoạt động nông nghiệp. Một loại bệnh nữa cũng rất hay gặp trong nông dân là bệnh ngoài da do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật”… Trong khi đó, thống kê tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp 2008 của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hoàn toàn không có con số riêng cho bệnh nghề nghiệp của nông dân mặc dù vẫn có thống kê tình hình bệnh tật trong công nhân.
Tai nạn chưa được cập nhật đầy đủ
Thống kê sơ bộ tại 31 tỉnh, thành phố trong năm 2008 đã có 6.807 vụ nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với 7.572 trường hợp (tăng 1,4 lần so với năm trước), tử vong 137 trường hợp chiếm 1.8% (tăng 1,2% so với năm trước). Nguyên nhân của các trường hợp nhiễm độc chủ yếu là do tự ý với 5.734 ca chiếm 75.7% với 125 trường hợp tử vong (chiếm 91.2% các trường hợp tử vong). Những trường hợp ăn uống nhầm có 453 ca với 8 trường hợp tử vong. Số trường hợp nhiễm độc do lao động là 373 ca chiếm với 4 trường hợp tử vong (2 ca ở Kiên Giang, 1 ca ở Cà Mau, 1 ca ở Ninh Bình). Như vậy, không có thống kê riêng về các loại hình tai nạn khác, tai nạn trong nông nghiệp chỉ được nhắc tới dưới dạng nhiễm độc thúôc bảo vệ thực vật.
Theo bà Trần Thị Ngọc Lan, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các báo cáo về nhiễm độc thuốc BVTV nói chung và tai nạn lao động trong ngành sản xuất nông nghiệp chưa được cập nhật đầy đủ. Việc các báo cáo chưa đầy đủ, theo bà Lan là do “Công tác quản lý cơ sở sản xuất còn có nhiều khó khăn và bất cập. Các tỉnh và Bộ, ngành mới chỉ quản lý được khoảng 10% số cơ sở sản xuất trong toàn quốc. Việc quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất trong nông nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù về quy mô.”
Cùng với ý kiến này, bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho rằng: “Việc quản lý môi trường lao động của công nhân đã khó, quản lý môi trường lao động của nông dân còn khó hơn. Trên thực tế, việc nhà nông gần như là việc nhà của nông dân nên các tai nạn rất khó thống kê. Chưa kể, nông dân và địa phương cũng chưa có ý thức về vịêc thống kê này”.
Còn ông Nguyễn Huy Nga, lại nhận định: “Sở dĩ thống kê chưa đầy đủ vì hiện ta chưa có chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp cho nông dân. Không giống công nhân, nông dân không thuộc quân số của một cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp”.
Cải thiện bằng cách nào?
Chương trình Quốc gia về BHLĐ, ATLĐ, VSLĐ năm 2010 sẽ chú trọng các hoạt động cải thiện điều kiện lao động ở một số lĩnh vực có nguy cơ cao trong đó có sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Để làm được điều này theo ông Vũ Như Văn, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, ngoài Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vai trò của Bộ Y tế vô cùng quan trọng trong cải thiện môi trường, phòng chống TNLĐ và BNN trong nông nghiệp. Công tác này chỉ có thể tốt lên khi những họat động ở tuyến cơ sở được đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, có một thực tế các quy định về pháp luật an toàn lao động trong lao động nông nghiệp lại khá lỏng lẻo, sơ sài, thậm chí không có. Chẳng hạn, trong các qui định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền từ Tỉnh đến Huyện (Quận) và Xã (Phường) có những điểm đề cập đến trách nhiệm, quyền hạn đối với vấn đề “phòng trừ các bệnh dịch đối với cây trồng và vật nuôi”, nhưng lại không có qui định nào về an toàn và vệ sinh lao động đối với người lao động nông nghiệp đang trồng và nuôi các loại cây, con đó là nông dân.
Dưới góc độ y tế, bà Trần Thị Ngọc Lan cũng cho rằng: “Phải tăng rà soát các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây BNN. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt và sơ tổng kết mô hình phòng chống BNN nhằm nhân rộng và triển khai rộng rãi trên toàn bộ các cơ sở sản xuất có nguy cơ trên địa bàn tỉnh, thành phố. Sở Y tế cần quan tâm và bổ sung nhân lực cũng như trang thiết bị, phê duyệt và tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình Phòng chống bệnh nghề nghiệp”. Tuy nhiên, với điều kiện thanh tra lao động còn rất thiếu như hiện nay, việc y tế và chính quyền cơ sở chủ động phát huy họat động tuyên truyền, giáo dục là điều kiện tiên quyết để đẩy lùi tai nạn lao động và BNN của nhà nông.
Cục an toàn lao động cho biết, sắp tới một dự án thuộc Chương trình quốc gia sẽ được Bộ NN&PTNT chủ trì, thực hiện. Dự án sẽ xây dựng văn bản luật và hai quy chuẩn kỹ thuật an toàn; hoàn thiện và triển khai áp dụng mô hình hệ thống triển khai hệ thống tổ chức quản lý, giám sát công tác BHLĐ, ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Điểm mẩu chốt của dự án là nghiên cứu và hoàn thiện mô hình triển khai đưa nhằm đưa khoa học công nghệ, y học vào cải thiện môi trường lao động trong nông nghiệp và nhành nghề nông thôn. Nói cách khác, quan trọng nhất là làm sao cho tuyến cơ sở họat động có hiệu quả nhất trong phòng chống TNLĐ và BNN trong nông nghiệp. Chương trình này, dự kiến, sẽ sử dụng rất nhiều tình nguyện viên nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.