Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái khởi động quan hệ chiến lược

Đình Hiệp| 04/08/2015 06:39

(HNM) - Chưa đầy chục ngày sau chuyến công du chiến lược của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tới Trung Đông nhằm xoa dịu quan ngại của các đồng minh Mỹ về thỏa thuận hạt nhân với Iran, Ngoại trưởng John Kerry đến Ai Cập và Qatar.

Ngoại trưởng J.Kerry (phải) và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shukri sau cuộc đối thoại tại Cairo.



Ai Cập là đối tác lâu năm của Mỹ tại khu vực Bắc Phi. Quan hệ Mỹ - Ai Cập đã gặp không ít sóng gió sau khi Washington quyết định ngừng các khoản viện trợ hằng năm cho nước này nhằm thể hiện thái độ không hài lòng trước làn sóng bạo lực năm 2013. Điều đáng nói, quyết định của Mỹ được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế cũng như chính trị của Ai Cập đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Mặc dù vào cuối tháng 3 vừa qua, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh "đóng băng" viện trợ quân sự hằng năm trị giá 1,3 tỷ USD cho Ai Cập, song Washington vẫn không ngừng chỉ trích chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi trong việc mạnh tay với những người ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Ai Cập của Ngoại trưởng J.Kerry có ý nghĩa quan trọng, với điểm nhấn là cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Ai Cập lần đầu tiên kể từ năm 2009 đến nay. Đây là diễn đàn để hai bên thảo luận nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến an ninh, văn hóa nhằm đề ra hướng giải quyết các vấn đề quan trọng đối với mỗi nước cũng như thúc đẩy các giá trị, mục tiêu và lợi ích chung của hai quốc gia. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Sameh Shukri sau cuộc đối thoại chiến lược, Ngoại trưởng J.Kerry tuyên bố, Mỹ và Ai Cập đang trở lại "nền tảng vững chắc" trong quan hệ song phương, bất chấp những căng thẳng và quan ngại về nhân quyền.

Để trấn an quốc gia đồng minh này, Ngoại trưởng J.Kerry khẳng định, thỏa thuận hạt nhân vừa được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) nếu được thực thi sẽ giúp Ai Cập và các nước trong khu vực an toàn hơn. Chia sẻ với những nhận định trên, Ngoại trưởng nước chủ nhà Sameh Shukri cho rằng, Ai Cập không có "bất đồng lớn" với Mỹ nhưng có "các khác biệt trong quan điểm về một số vấn đề" và điều đó là bình thường. Trên thực tế, bất chấp những quan ngại của giới lập pháp Mỹ rằng Ai Cập đang chậm trễ trong việc tiến hành các cải cách dân chủ, Cairo vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington ở khu vực.

Sau Ai Cập, chặng dừng chân tiếp theo trong chuyến công du của Ngoại trưởng J.Kerry là Qatar, với trọng tâm là cuộc gặp với ngoại trưởng 6 nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Sự kiện Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử mới đây đã được dư luận thế giới đánh giá cao. Thế nhưng, cam kết này lại khiến nhiều quốc gia Trung Đông cảm thấy bất an. Đặc biệt là điều khoản cho phép lần lượt dỡ bỏ các biện pháp cấm vận vũ khí và công nghệ tên lửa đạn đạo mà Liên hợp quốc áp đặt lên Iran sau 5 và 8 năm nữa. Mặc dù Tổng thống Barack Obama từng khẳng định, thỏa thuận này sẽ giúp củng cố an ninh của Mỹ cũng như các đồng minh, trong đó có Israel. Tuy nhiên, đã xuất hiện những quan ngại tại khu vực rằng đây là một "sai lầm lịch sử" và nó sẽ biến Iran trở thành một cường quốc hạt nhân. Vì thế, sứ mệnh quan trọng của Ngoại trưởng J.Kerry trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo GCC lần này là giải tỏa những lo ngại của các nước Trung Đông về thỏa thuận hạt nhân vừa được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Qatar, Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ bàn với các nước GCC về một kế hoạch hợp tác tiếp theo giữa Mỹ với các nước này liên quan tới vấn đề chống khủng bố, chống nổi dậy và huấn luyện các lực lượng tác chiến đặc biệt. Bên lề các cuộc họp của GCC, ông J.Kerry dự kiến sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để thảo luận về một số vấn đề, trong đó có cuộc khủng hoảng Syria, cuộc chiến chống IS cũng như sự tham gia của Iran sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh các cuộc tấn công và cho phép máy bay Mỹ không kích các tay súng IS từ một căn cứ gần khu vực biên giới giáp Syria. Dù chưa thể hóa giải mọi nghi ngờ, song chuyến công du của Ngoại trưởng J.Kerry đã tái khởi động một quan hệ đối tác quan trọng của Mỹ, góp phần khẳng định sự hiện diện của Washington tại khu vực Trung Đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái khởi động quan hệ chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.